Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

(NTO) Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, lũ lụt xảy ra trong nhiều năm, nhất là hạn hán diễn ra trên diện rộng, gay gắt năm 2015 và 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Do đó cần thiết phải điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu lại đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi, phòng tránh thiên tai; tổ chức lại sản xuất,... để ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nhiệm vụ trong năm 2016 và các năm tiếp theo, đó là việc chuyển đổi đất lúa thiếu nước tưới, hiệu quả thấp sang cây trồng khác hiệu quả hơn, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm nước để hạn chế thiệt hại do hạn hán, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân là yêu cầu bức thiết của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ngành Nông nghiệp xây dựng và phối hợp với các cấp, các ngành để triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính:

- Khẩn trương rà soát, quy hoạch vùng đất lúa kém hiệu quả thuộc vùng tưới các hồ thủy lợi trong tỉnh và vùng tưới cuối kênh thuộc hệ thống Nha Trinh- Lâm Cấm để xây dựng phương án chuyển đổi, chi tiết về diện tích đến xã, thôn; bao gồm loại cây, thời vụ, công thức luân canh..., trong đó chú trọng chuyển sang cây chịu hạn tiết kiệm nước, cây ăn quả. Sử dụng có hiệu qủa nguồn lực Trung ương hỗ trợ chống hạn để hỗ trợ giống cho Nhân dân chuyển đổi cây trồng.

Song song với nhiệm vụ trên, ngành khẩn trương hoàn thành Đề án “phòng, chống biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ mới gắn với chủ trương tiết kiệm nước trong sản xuất, kinh doanh; chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả” để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành làm cơ sở cho việc điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ, tái cơ cấu lại đầu tư thủy lợi, phòng tránh thiên tai, tổ chức lại sản xuất,... để ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây chịu hạn như bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi,...; hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm với các công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa; xây dựng một số điểm trình diễn kỹ thuật, tổ chức tham quan, học tập cho nhân dân vùng chuyển đổi.

- Chủ trì và phối hợp cùng các địa phương, trong giai đoạn trước mắt vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng thu mua nông sản cho Nhân dân, trước hết là vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang cây chịu hạn tạo đầu ra ổn định, có hiệu quả cho nông dân, để người dân tin tưởng, tiếp tục chuyển đổi trong các vụ, các năm sau.

 
Chuyển đổi trồng cây bắp lai tại huyện Ninh Phước. Ảnh: Anh Tuấn

Về lâu dài sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm của nông dân theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Trung ương, của UBND tỉnh đã ban hành như: Chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020; Quyết định 11/2015/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án chính sách nhân rộng các mô hình có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quyết định 52/2015/QĐ-UBND ngày 17-8-2015 về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương hướng dẫn, vận động thành lập các tổ chức của nông dân, ngư dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đoàn kết trên biển, tổ hợp tác chuyên ngành phù hợp với cây, con, ngành nghề… liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành cánh đồng lớn, vùng sản xuất rau, quả tập trung, vùng cộng đồng nuôi trồng thủy sản, các tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển.

Hỗ trợ cơ sở thu mua của tư thương từng bước hình thành doanh nghiệp gắn bó lâu dài với người dân (từ chỗ bị động chuyển sang chủ động gắn kết, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, làm ăn theo cơ hội); với điều kiện phải liên kết chặt chẽ với hộ nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân; doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào (giống, vật tư, công nghệ sản xuất), thu mua sản phẩm (ổn định đầu ra), trong đó lợi ích được phân chia hài hòa giữa các khâu và các bên tham gia.

Đối với các doanh nghiệp lớn, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, để mỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh cần có một (hoặc một số) doanh nghiệp lớn đầu tư tổ chức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tại các huyện, xã vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất liên kết với quy mô vừa và nhỏ, hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Vận động Nhân dân sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước:

Tăng cường dự báo, cảnh báo và tuyên truyền vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về tình hình thiếu nước, tự giác sử dụng các biện pháp để tiết kiệm nước tối đa. Không để các hộ dân tranh chấp nguồn nước hoặc tự ý lấy nước từ các kênh.

Tưới luân phiên giữa các hệ thống và trong hệ thống thủy lợi. Cụ thể là tưới luân phiên giữa các hệ thống 19/5, hệ thống thuỷ lợi Krông-Pha, hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm. Trong từng hệ thống cũng phải bố trí tưới luân phiên theo từng cấp kênh, tăng thời gian tưới cho vùng cuối kênh lấy nước khó khăn.

Quản lý chặt chẽ, tìm thêm các nguồn nước, điều hành, phân phối nguồn nước, sử dụng hợp lý, tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc, cho sản xuất nông nghiệp và cân đối cho trồng trọt.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của bà con nông dân, nông nghiệp Ninh Thuận trong năm 2016 và các năm sau sẽ vượt qua khó khăn, thách thức. Biến khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thành cơ hội phát triển với những sản phẩm đặc thù có thương hiệu, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.