DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Chuyện những nông dân tham gia tổ nhóm liên kết với doanh nghiệp

(NTO) Phước Vinh là một trong 3 xã của huyện Ninh Phước được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tỉnh, có diện tích đất nông nghiệp 1.521ha.

Ngoài sản xuất bắp lai giống, những năm gần đây, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, nông dân Phước Vinh còn phát triển trồng táo hiệu quả với diện tích khoảng 80ha. Căn cứ vào thực tế sản xuất, Ban Phát triển xã và người dân các thôn đã lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo phù hợp với lợi thế địa phương như táo, nho, tỏi, bắp, bò, dê, cừu.

Nông dân trồng táo liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa. Ảnh: Sơn Ngọc

Để phát triển các chuỗi giá trị, Phước Vinh đã thành lập 20 tổ nhóm đồng sở thích có chung lợi ích với 332 thành viên, trong đó riêng về trồng táo có 4 tổ nhóm hoạt động theo mô hình liên kết nông dân và kết nối thị trường. Thực hiện mô hình trên, điểm đáng lưu ý là vai trò đồng hành của Doanh nghiệp (DN) tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Bằng kinh nghiệm chuyên cung cấp nho, táo ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ nho cho thị trường, DN tiến hành liên kết với 2 tổ nhóm trồng nho xã An Hải và 3 tổ nhóm trồng táo xã Phước Vinh thuộc vùng Dự án HTTN huyện Ninh Phước gồm 82 hộ nông dân tham gia (25 hộ trồng nho và 57 hộ trồng táo). Vừa qua, được hỗ trợ từ Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) và vốn tự đối ứng của mình, DN đã đầu tư mua sắm máy sấy táo, các trang thiết bị phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm táo, nho và xây dựng thêm nhà xưởng nhằm phát triển chuỗi giá trị nho, táo của nông dân.

Đi cùng các cán bộ Văn phòng Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh (PCU), chúng tôi có dịp đến xã Phước Vinh tìm hiểu về tác động của dự án đối với các hộ nông dân thành viên tổ nhóm. Tại thôn Bảo Vinh, nơi hình thành 3 tổ nhóm trồng táo, qua trao đổi với các chủ hộ thành viên là anh Hồ Trung Sơn và bà Nguyễn Thị Ca, chúng tôi ghi nhận đang có sự cải thiện thu nhập đáng kể. Anh Hồ Trung Sơn có 0,4ha diện tích trồng táo, cho biết: “Sau khi tham gia tổ nhóm liên kết, trong năm 2015 thu nhập gia đình tăng hơn 30% so với cùng kỳ, có thêm vốn tôi đầu tư nuôi vỗ béo 16 con cừu, tận dụng được các phụ phẩm từ cây táo nên hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Ca, 60 tuổi, nói: “Hộ tôi tham gia liên kết với DN Ba Mọi gần 1 năm nên việc tiêu thụ ổn định hơn, đặc biệt là giá mua của DN cao hơn bên ngoài 30% và được thanh toán tiền mặt chỉ sau 1-2 ngày, nhờ đó thu nhập gia đình đã tăng thêm 25%”. Hộ bà Nguyễn Thị Ca là điển hình hộ nông dân nghèo vượt khó, chỉ có 500m2 đất nên bà phải thuê thêm 5,5 sào đất của các hộ chung quanh để canh tác trong thời hạn 10 năm. Ngoài trồng táo, tích lũy dần vốn, bà đã mua 1 con bò về nuôi, đồng thời nuôi vỗ béo 18 con cừu và 16 con dê, hiện nay hộ đã thoát nghèo.

Như vậy, thông qua Dự án HTTN tỉnh, DN có cơ hội tiếp cận với nông dân, nắm rõ nguồn hàng và thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, 2 bên cùng có lợi. Cũng qua liên kết, DN có điều kiện mở thêm phân xưởng mới, đa dạng sản phẩm chế biến cung ứng cho thị trường, phần nông dân thì ổn định đầu ra sản phẩm và tăng dần thu nhập. Anh Hồ Văn Thọ, thôn Phước An 1, có 9 sào đất trồng táo, chia sẻ: “Khi chưa liên kết, thương lái cho giá nào thì bán theo giá ấy, việc thanh toán tiền luôn chậm trễ, có lần còn mất trắng. Nay liên kết, nông dân chúng tôi bán toàn bộ táo cho DN Ba Mọi với giá cao hơn, thu nhập tăng thêm 30%”. Từ trồng táo, những năm qua, anh Thọ trả xong 270 triệu đồng nợ ngân hàng, nuôi 3 con học đại học và cao đẳng; riêng với thu nhập tăng thêm trong năm 2015, anh mua 1 xe máy trên 42 triệu đồng và dành vốn tái đầu tư cho vụ táo năm nay, đồng thời hợp tác đầu tư trồng nho theo hướng VietGAP.

Qua câu chuyện của các nông dân trên, có thể nói DN không chỉ có vai trò quan trọng trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ nông sản của nông dân trồng nho, táo, mà còn có trách nhiệm giúp nông dân làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chất lượng. Theo đó, nông dân kỳ vọng tương lai các hình thức liên kết nói trên sẽ được nhân rộng, nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng nho, táo trong tỉnh và phát triển chuỗi giá trị nho, táo.