Lại chuyện dưa hấu rớt giá

(NTO) Giá dưa hấu liên tục rớt giá, nhiều trà dưa thu hoạch xong phải ủ bạt, “mỏi mòn” chờ đợi thương lái đến mua với giá rẻ như “bèo”. Vụ dưa hấu năm nay, nông dân Ninh Sơn đang lao đao vì ồ ạt đổ xô tăng diện tích lên hàng trăm ha.

Hai vụ dưa trước, mặc dù chỉ đầu tư hơn 3ha, nhưng gia đình anh Nguyễn Ngọc (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn) vẫn thu về trên trăm triệu đồng nhờ dưa được giá, được mùa. Vụ dưa năm nay, anh Ngọc “mạnh dạn” vay thêm ngân hàng hơn 500 triệu đồng để thuê đất trên địa bàn xã Phước Hòa (Bác Ái) đầu tư trồng hơn 7ha dưa hấu (giống dưa dài 386). Với vẻ mặt ngao ngán, anh Ngọc cho biết: Tôi vừa thu bán xong hơn 3,5ha trà dưa trước Tết cho thương lái Quảng Ngãi, năng suất dưa cũng đạt gần 35 tấn/ha, nhưng giá bán chỉ 2.900 đồng/kg (dưa loại 1), còn dưa dạt chỉ hơn 1.000 đồng, trà dưa này tôi đã lỗ gần 100 triệu đồng. Hiện vẫn còn gần 4ha dưa bán Tết và sau Tết, nhưng với tình trạng giá cả liên tục rớt thế này thì chắc xong vụ phải lỗ thêm vài trăm triệu nữa.

Thương lái thu mua dưa của nông dân thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, Ninh Sơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ dưa hấu năm nay trên địa bàn xã Phước Hòa có hàng chục người dân ở Ninh Sơn lên thuê đất trồng dưa với diện tích hàng trăm ha.

Được biết, thực tế, đầu vụ dưa vẫn có một số nông dân bán được giá trên 4.000 đồng/kg nên cũng vừa thu đủ vốn, chỉ lỗ ít công chăm sóc. Nhưng chỉ sau đó khoảng 1 tuần thì giá dưa liên tục “lao dốc không phanh”, khiến nhiều nông dân trở tay không kịp. Chị Nguyễn Thị Tám, thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, ủ rũ: “Thấy giá dưa liên tục rớt, gia đình cũng lo lắng, nhưng không ngờ lại thê thảm thế này, giờ thương lái trả dưới 2.000 đồng/kg cũng phải bán, nếu không dưa đã đến độ chín, tiếp tục để sẽ bị thối và giá rớt tiếp nữa thì càng chết”. Được biết, năm nay, gia đình chị Tám vay ngân hàng 50 triệu đồng, bớt đi 4 sào lúa để đầu tư trồng dưa, khi dưa bắt đầu giai đoạn cho trái thì trúng đợt mưa trái mùa làm giảm năng suất, 4 sào dưa nhà chị chỉ đạt hơn 10 tấn, sau khi bán cho thương lái, gia đình chị lỗ hơn 30 triệu đồng.

Theo thương lái Nguyễn Thị Bình, ở thị trấn Tân Sơn, người chuyên đi dưa xuất khẩu sang Trung Quốc, cho biết: Giá dưa năm nay rớt không chỉ làm nông dân lao đao mà nhiều thương lái cũng méo mặt vì phải bỏ tiền đã đặt cọc trước, bởi hiện nay, thị trường dưa đang bị ứ đọng, không ai dại gì lao vào thu mua với giá đầu vụ sẽ càng thua lỗ nặng.

Mặc dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền nhưng vụ dưa Tết năm nay, nông dân huyện Ninh Sơn vẫn tự phát mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần so với kế hoạch. Điển hình như tại xã Lương Sơn, theo kế hoạch, xã chỉ khuyến cáo trồng khoảng 60ha, thế nhưng qua thực tế khảo sát, chỉ tính riêng diện tích dưa trên địa bàn xã đã hơn 230ha, chưa kể một số hộ dân thuê đất tại các xã lân cận khu vực huyện Bác Ái để trồng. Hiện nay, ngoài các trà dưa đang thu hoạch rộ thì còn rất nhiều diện tích dưa đang chuẩn bị vào thu hoạch bán dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và sau Tết. Nhiều nông dân vẫn đang thấp thỏm, lo lắng và hy vọng giá dưa có thể đột biến trong những ngày tới…