Độc đáo trang sức phụ nữ các dân tộc miền Nam

(NTO) Trưng bày chuyên đề “Trang sức Phụ nữ các dân tộc ở miền Nam” tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh, có 30 hình ảnh và 170 hiện vật với nguồn nguyên liệu phong phú như xương, sừng, thủy tinh, đá quý, đồng, bạc, vàng…thuộc bộ sưu tập trang sức phụ nữ Việt Nam được lưu trữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang thu hút được sự quan tâm, theo dõi của công chúng trong tỉnh.

Dù ở miền đất nào, đồ trang sức là vật dụng làm đẹp không thể thiếu đối với người phụ nữ. Mỗi một dân tộc ở miền Nam lại có phong cách chế tác đồ trang sức khác nhau với hình dạng và các đường nét hoạ tiết dân gian sinh động mang đặc trưng văn hóa của riêng dân tộc mình. Đối với phụ nữ các dân tộc Việt, đeo trang sức không thuần túy để làm đẹp mà còn hàm chứa nhiều thông điệp liên quan đến cuộc sống riêng tư như tình cảm, gia đình, thể hiện địa vị xã hội, sự giàu sang, cũng như có tác dụng cầu may, ngăn chặn tà ma, gió độc…Các loại hình của đồ trang sức rất phong phú như khuyên tai, vòng cổ, vòng đeo tay, đeo chân, nhẫn, trâm cài tóc và cả những bộ trang sức đi kèm với trang phục. Chúng có thể được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, nhôm, đồng, thiếc, đá, gỗ, ngà, vỏ ốc… Ngày nay, trang sức phụ nữ Việt có nhiều bước tiến đáng kể, với đủ loại chất liệu, kiểu dáng rất phong phú và lạ mắt.

 
Công chúng xem trưng bày “Trang sức phụ nữ các dân tộc ở Miền Nam” tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm.

Khác với phụ nữ Việt, phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ê đê, Stiêng, Bana, M’Nông, Mạ…thích đeo những vòng kim lọai xoắn trôn ốc, căng tai bằng ngà và những chuỗi hạt nhiều màu sắc. Không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng thích đeo vòng ống trong lao động và săn bắn. Còn trang sức cổ của người Chăm là những xâu chuỗi, dây chuyền, vòng…bằng mã não, bạc, vàng-chất liệu được ưa chuộng và sử dụng nhiều trong chế tác trang sức. Phụ nữ Chăm thường đeo xâu chuỗi mã não và bạc cuộn lại thành một sợi dài cho tới phần đùi. Ngoài ra, phụ nữ Chăm thường đeo 3 vòng trên cổ gồm: 1 sợi ngắn, 1 sợi dài và 1 sợi nữa dài hơn. Vòng cổ được làm bằng chất liệu bạc hoặc vàng, tùy theo người giàu hay người nghèo mà vòng cổ có chất liệu khác nhau.

Trang sức phụ nữ Kh’mer lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhưng vẫn mang sắc thái riêng biệt của tộc người với những đường nét hoa văn được chạm khắc một cách tinh xảo. Hoa văn trên trang sức Kh’mer là sự kết hợp những đường cong mềm mại, uyển chuyển. Đó là sự thay đổi nhịp nhàng về đường nét của hoa dây leo, hoặc nhánh hoa nhỏ, theo những đường cong chung quanh, theo chiều dài của món trang sức được chạm nổi hay chìm trên vòng đeo cổ, thường khắc chạm hình vũ nữ Apsara, rắn Naga, hình rồng, hoặc hình con vật nửa rồng, nửa thú.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, cho biết: Có thể nói trang sức đã phản ánh rõ nét những đặc trưng văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc thiểu số ở niền Nam. Theo thời gian, nghệ thuật trang sức và chế tạo đồ trang sức ngày càng hoàn thiện hơn về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc. Tuy nhiên, những loại trang sức như vòng tay, hoa tai, nhẫn… bằng đồng, bạc , vàng, kim cương vẫn liên tục kế thừa hình dáng những mẫu trang sức của người xưa, góp phần quan trọng vào việc bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.