Lá chanh có vị cay ngọt, tính ôn có tác dụng sát khuẩn và tiêu đờm. Ít ai biết được rằng lá chanh có thể dùng chữa ho do lạnh, cảm sốt không ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị hen phế quản… Đặc biệt, trong lá chanh tươi có nhiều tinh dầu mùi thơm dễ chịu nên thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông giải cảm.
Lá chanh thanh nhiệt, mát gan
Không nhiều người biết lá chanh có tác dụng mát gan. Để có bài thuốc này, bạn chỉ cần 12g lá chanh khô, 12g lá gai khô và 12g lá cối xay. Sắc hỗn hợp này từ 3 bát nước xuống còn 1 bát nước. Uống ngày 2 bữa: sáng và tối sau khi ăn. Uống liên tục trong 2 tuần bạn sẽ nhận được kết quả.
Lá chanh chữa cảm không ra mồ hôi
Cảm không ra mồ hôi thường lâu và hay để lại biến chứng. Điều cần làm là để cơ thể tiết mồ hôi trở lại để thải độc tố. Để làm được điều này, bạn cần 10g lá chanh tươi, sắc lấy nước uống trong ngày. Hoặc muốn tăng hiệu quả, ngoài lá chanh, bạn có thể sử dụng thêm lá cúc tần, lá bưởi, vỏ quýt, lượng bằng nhau sắc uống trong ngày.
Lá chanh giải cảm, nhức đầu
Một nồi nước lá xông với lá chanh, lá bưởi, lá tre, hương nhu và cúc tần đồng thời bỏ thêm bạc hà, sả và tỏi là một bài thuốc đặc hiệu hàng đầu trong việc tiêu trừ cảm cúm, đau đầu ra khỏi cơ thể bạn.
Hỗ trợ điều trị hen phế quản
Lá chanh khô 35g, dây tơ hồng 15g, tất cả sao vàng sắc với 3 bát nước, lấy 1 bát, ngày uống 2-3 lần. Dùng liên tục trong 10 ngày.
Chữa ho do lạnh
Lá chanh tươi 5g, gừng tươi 3g. Tất cả rửa sạch, gừng thái lát, sắc với 400ml nước còn 100ml, khi uống cho thêm ít đường. Dùng trong 3-5 ngày.
Lá chanh dùng chữa ho, cảm cúm (ảnh minh họa)
Giảm sưng đau do mụn nhọt khi chưa có mủ
Lá chanh 10g, lá gai tầm xoọng 8g, tinh tre 10g. Phơi khô, tán bột. Rắc lên nơi tổn thương có mụn nhọt rồi băng lại trong khoảng 8 -10 phút. Ngày làm 2 lần. Bài thuốc này giúp mụn nhọt giảm sưng đau nhanh chóng.
Bệnh viêm xoang
Tinh chất có trong lá chanh chống lại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh xoang. Dùng lá chanh khô, đun sôi trong vòng 10 phút. Sau đó chắt lấy nước và sử dụng nó để súc miệng mỗi ngày giúp thông mũi, thông họng, và hạn chế chất nhầy.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại