1. Kẽm
Nhu cầu kẽm của cơ thể trong giai đoạn này tăng đáng kể nhưng chế độ ăn thường không đủ. Kẽm rất cần cho sự phát triển khối cơ và hệ sinh dục. Nhu cầu kẽm của trẻ giai đoạn này cần khoảng 12-15mg mỗi ngày. Kẽm có nhiều trong hàu, thịt gia cầm, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt.
2. Canxi
Canxi đặc biệt cần để phát triển khối xương. Trẻ không thể cao được nếu thiếu canxi vào đúng ngay giai đoạn quan trọng này. Nhu cầu canxi của trẻ tuổi tiền dậy thì và dậy thì khoảng 700mg/ngày. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa (như sữa chua, yaourt nước, phô-mai…), cá nhỏ ăn cả xương, tôm tép, đậu hũ, và rau xanh. Bạn đừng quên nhắc trẻ uống thêm một ly sữa vào mỗi bữa sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
3. Sắt
Quá trình cơ thể bé phát triển cũng là quá trình thể tích máu tăng lên đáng kể. Lúc này, nhu cầu sắt để tạo hemoglobin trong máu cũng tăng cao. Ngoài ra, sắt còn cần cho sự hình thành myoglobin ở cơ bắp. Các bé trai cần sắt nhiều hơn để phát triển khối cơ trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì, bé gái lại có hiện tượng “đèn đỏ”, sẽ dễ mất máu sinh lý hơn nên nhu cầu sắt theo đó cũng cao hơn. Nhu cầu chất sắt ở bé gái là 20-24mg và ở bé trai là 11-18mg. Sắt có nhiều trong gan, huyết, thịt, cá, trứng, và rau xanh.
4. Vitamin
Trong giai đoạn “sắp lớn” này, nhu cầu vitamin B1, B2, là những vitamin tham gia trong quá trình chuyển hóa năng lượng sẽ tăng lên. Ngoài ra, con bạn còn cần vitamin B6 cho quá trình tổng hợp acid amin, cần vitamin D để phát triển khối xương, cần vitamin A, C và E để hình thành các tế bào mới. Bạn nên khuyến khích trẻ ăn thật nhiều rau xanh và trái cây. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể xin ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để cho trẻ uống bổ sung vitamin trong thời gian ngắn nếu cần.
5. Lipit
Mỡ rất cần cho các bé gái trong giai đoạn này vì nó có tác dụng điều hòa chức năng sinh dục của nữ giới. Lượng mỡ nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt và sự trao đổi hormone trong cơ thể. Ngoài ra, chức năng hoạt động của buồng trứng trong giai đoạn này phát triển chưa hoàn thiện, nếu không đủ lượng mỡ cần thiết, rất dễ dẫn đến ảnh hưởng không tốt đến bộ máy sinh dục.
6. Protein
Cung cấp nitrogen và axit amin cho cơ thể (như da, cơ, não, tóc…), hormone (những chất kiểm soát các quá trình sinh lý của cơ thể), các kháng thể (giúp chống lại nhiễm khuẩn), và các enzyme (chi phối tốc độ các phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể). Trong quá trình trẻ đang phát triển, bước vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, nên bổ sung cho trẻ nhiều protein thông qua thịt, cá.
nguồn: mevacon.com.vn