1. Ngoại trưởng 4 nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức đã nhất trí thúc đẩy việc triển khai thỏa thuận Minsk, đặc biệt là việc thi hành lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.
Cuộc họp 4 bên cấp Ngoại trưởng về vấn đề Ukraine diễn ra trong bối cảnh lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine vẫn thường xuyên bị các bên vi phạm, còn kế hoạch rút vũ khí hạng nặng vẫn chưa được các bên thực thi một cách đầy đủ. Các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cho biết, vẫn chưa thể xác thực được việc rút vũ khí hạng nặng ở một số khu vực thuộc miền Đông Ukraine đã được thực thi hay chưa.
Trước đó, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tuyên bố, họ đã bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến 50 km, nhưng không cung cấp thông tin về vị trí mà lực lượng này đặt các vũ khí hạng nặng sau khi rút về. Về phần mình, Chính phủ Ukraine tiếp tục lên tiếng cáo buộc lực lượng ly khai nã pháo vào các vị trí của quân đội Chính phủ ở Mariupol. Người phát ngôn của quân đội Ukraine tuyên bố, quân Chính phủ sẽ chỉ rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng chiến sự khi các lực lượng ly khai chấm dứt hoàn toàn các cuộc nã pháo.
Một động thái liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Anh D. Cameron vừa cho biết, Anh sẽ cử các nhân viên quân sự tới Ukraine trong một vài tuần tới để làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho quân đội Ukraine trong 4 lĩnh vực y tế, tình báo, hậu cần, bộ binh. Tương tự như trên, ông chủ Nhà Trắng- Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố đang xem xét viện trợ vũ khí “nóng” cho quân đội Kiev. Trước những động thái “đổ thêm dầu vào lửa” này, Moskva cảnh báo rằng sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” nếu phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev.
2. Mặc dù thừa nhận vòng đàm phán mới nhất về Chương trình phát triển hạt nhân của Iran khép lại mà vẫn còn những trở ngại “bất đồng và khoảng cách” cần phải vượt qua trong vòng đàm phán kế tiếp được nhanh chóng ấn định vào ngày 2-3 tới, nhưng Mỹ và Iran đều xác định thỏa thuận lịch sử về Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã có một số bước tiến.
Trong 3 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ), hai bên có sự nhất trí sơ bộ đạt được là Tehran sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), sau đó sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế để Iran có thể trở lại với chương trình hạt nhân của mình. Đây là sự nhượng bộ lớn vì trước đây, Mỹ và nhóm P5+1 đòi Iran phải ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 20 năm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, vòng đàm phán đã đạt được tiến bộ. Còn Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đánh giá đã có các cuộc đàm phán nghiêm túc, song vẫn còn một chặng đường để đạt đến một thỏa thuận cuối cùng.
3. Gói biện pháp cải cách mà Chính phủ Hy Lạp đề xuất đã được Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chấp thuận đã giúp nới nút thắt nguy hiểm, khi gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro dành cho Hy Lạp hết hạn vào ngày cuối cùng tháng 2.
Đây là quyết định được đưa ra sau cuộc họp khẩn lần thứ 3 của 19 Bộ trưởng Tài chính Eurozone về vấn đề nợ của Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp cho biết, Athens sẵn sàng tiến hành các cải cách có thể được, theo đó “Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ tiến hành những cải cách, ttrong đó ưu tiên cho những cải cách phù hợp với tình hình hiện nay như giải quyết nạn trốn thuế, tham nhũng, tái cấu trúc hành chính công và giải quyết những vấn đề khủng hoàng nhân đạo”. Như vậy, một thỏa thuận quyết định cứu Athens đưa ra vào phút chót không chỉ cấp thiết với Hy Lạp, mà còn với Eurozone và cả EU.
PV