* Sự kiện
- Ngày 28-2-1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời tờ “France Soir” (nước Pháp buổi chiều) về việc Bảo Đại ký Thỏa ước Hạ Long với Pháp để thiết lập chính phủ bù nhìn. Người khẳng định: “Chỉ có độc lập thật sự và thống nhất thật sự mới có thể làm thỏa mãn nguyện vọng Việt Nam”, đồng thời bác bỏ khả năng có thỏa ước với Bảo Đại: “Trong một nước làm gì có thỏa ước giữa một tư nhân công dân với Chính phủ do toàn dân cử ra”.
- Ngày 28-2-1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm trưởng đoàn ra thăm miền Bắc. Tại buổi tiếp, Người nói: Bây giờ tôi hoan nghênh đoàn đại biểu miền Nam ruột thịt mà nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể nói hết được ý, tôi xin phép nói một câu: “Bước đầu muôn dặm một nhà, Bắc - Nam sum họp chúng ta vui mừng!”. Người hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống của đồng bào miền Nam và nhờ các đại biểu mang về miền Nam niềm yêu thương vô hạn của Người và của 17 triệu đồng bào miền Bắc.
- Ngày 28-2-1978: Nước ta căn bản hoàn thành công tác xóa nạn mù chữ. Đây là thông báo của Bộ Giáo dục nước ta ngày 28-2-1978. Công cuộc xóa mù chữ ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó có việc chống nạn mù chữ. Sau đó, phong trào đã phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi to lớn. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015. Mục tiêu là đến năm 2015, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, củng cố kết quả xóa mù chữ và chống tái mù chữ. Hiện nay có hơn 97% người dân Việt Nam biết chữ hệ thống giáo dục ở nước ta khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến sau đại học.
- Từ ngày 28-2 đến 2-3-2001: Tổng thống LB Nga Vladimir Vladimirovich Putin thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Nga tới Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi quan hệ hợp tác Nga - Việt đã chuyển sang cấp độ đối tác chiến lược. Nhân dịp này,
Việt Nam và LB Nga đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược và một số văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và giáo dục. Tiếp sau đó, Tổng thống LB Nga Putin có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào các năm 2006 và 2013. Hiện nay, quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại, an ninh quốc phòng thời gian qua đã phát triển khá năng động. Hai bên nhất trí phát huy tối đa lợi thế của mình để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020…
- Ngày 28-2-2014: Trung đoàn tên lửa 238 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Ngày 28-2, tại Hải Phòng, Trung đoàn tên lửa 238 (Sư đoàn 363, Quân Chủng Phòng không - Không quân) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Trước đó, ngày 15-1-1976, Trung đoàn tên lửa 238 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn 238 là trung đoàn góp công lớn làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đơn vị bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên của đế quốc Mỹ. Trung đoàn cũng là đơn vị chủ lực nghiên cứu cách đánh B52, sau này in thành cuốn "Cẩm nang đỏ"- tài liệu để đánh B52, làm nên chiến thắng 12 ngày đêm năm 1972... Những chiến công của Trung đoàn 238 góp phần tô thắm thêm trang sử vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và bộ đội tên lửa nói riêng.
* Nhân vật
- Ngày 28-2-1939: Ngày sinh của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh tại cao nguyên Lạc Giao, thuộc xã Lạc Giao (nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk, nhưng lớn lên ở Huế. Trịnh Công Sơn tự học nhạc và bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay “Ướt mi”. Trong suốt sự nghiệp của mình, Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn đó là: tình yêu, quê hương và thân phận. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1-4-2001, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông ra đi nhưng những gì ông để lại qua sự nghiệp âm nhạc của mình có giá trị thật lớn lao. Những giai điệu, lời ca của ông sẽ còn mãi với thời gian.
Theo TTXVN