Tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phân tích rằng, dự thảo Luật chỉ quy định Công an nhân dân (CAND) dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân thì chưa đủ, phải bổ sung “tôn trọng nhân dân và phục vụ nhân dân”. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề có tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND.
Trần quân hàm của sĩ quan CAND là vấn đề được khá nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị trần quân hàm cao nhất của các tỉnh thành trực thuộc Trung ương chỉ thấp hơn 1 bậc so với TPHCM, Hà Nội chứ không phải 2 bậc như dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, lập luận khi quy định trần quân hàm là chưa thống nhất, chưa thuyết phục, có thể khiến cán bộ “tâm tư”: “Sẽ có tình trạng Cục trưởng hàm Trung tướng, mà Tổng Cục phó chỉ Thiếu tướng”.
Gợi ý giải pháp bổ sung cấp bậc “Chuẩn tướng”, Đại biểu Phúc giải thích, theo dự luật thì giám đốc CA tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội, TPHCM) mang quân hàm Đại tá, nhưng tại TPHCM và Hà Nội thì Trưởng CA quận cũng là Đại tá, như vậy là không thuận.
“Đề nghị Trưởng CA quận ở TPHCM và Hà Nội chỉ là Thượng tá thôi, hoặc Giám đốc CA tỉnh, thành phố khác nên là Chuẩn tướng”, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đề xuất.
Có phong thăng thì cũng phải có giáng chức, giáng cấp những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ - đó là quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa). Theo Đại biểu này, Không thể có chuyện người chỉ huy lực lượng CA để tình hình an ninh trật tự rối ren, liên tục có vi phạm pháp luật kéo dài trên địa bàn mình mà không phải chịu trách nhiệm thích đáng…
Quan hệ cấp trên-cấp dưới, cũng như việc xác định trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo thực hiện công vụ cũng được một số ý kiến nhìn nhận “quy định như dự thảo có một số vấn đề khó áp dụng, nhiều vụ án khó xác định vi phạm thuộc người ra lệnh hay người chấp hành”.
Về hạn tuổi phục vụ của CAND, nhiều đại biểu đề nghị theo hướng kéo dài thời gian đối với sĩ quan nữ đảm nhiệm chức vụ, vị trí quan trọng. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị cụ thể: “Nữ Đại tá được phục vụ đến 58 tuổi và cấp tướng đến 60 tuổi”.
Về thời hạn phục vụ nghĩa vụ công an, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và một số Đại biểu khác đề nghị cũng nên quy định là 2 năm, tương tự như với lực lượng quân đội và việc tuyển chọn nên thông qua một hội đồng nghĩa vụ quân sự chung, trong đó có đại diện ngành CA...
Theo chương trình xây dựng pháp luật của QH, dự án Luật CAND (sửa đổi) sẽ được QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
* Trước đó, tại phiên họp sáng, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tập trung vào nội dung quy hoạch, quy định về phong hàm cấp tướng trong quân đội. Trước hết 3 vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng đều được đề nghị có trần quân hàm Đại tướng, tương đương quân hàm của Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo nhiều ý kiến nhận xét trong cuộc họp, vấn đề quân hàm tổng số cấp tướng như dự thảo sẽ không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn trước thực tế cũng như xu hướng, nhu cầu phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách. Có ý kiến đề nghị tách lương ra khỏi quân hàm để những người không được phong tướng cũng được tăng lương vượt khung.
Nguồn chinhphu.vn