Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hoài Phương phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân (CAND), ĐB Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) thống nhất cấp bậc hàm Trung tướng đối với Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, vì đây là 2 thành phố lớn có vị trí đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, ĐB Minh không đồng tình Trưởng công an quận của TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội cấp Đại tá; trong khi Trưởng công an huyện của 2 thành phố này chỉ là Thượng tá. Theo ĐB Minh lập luận, ngay trong một thành phố, cùng chức vụ là Trưởng có đồng chí mang quân hàm Đại tá, có đồng chí mang quân hàm Thượng tá là không phù hợp, dễ nảy sinh tư tưởng không tốt trong nội bộ. ĐB kiến nghị nên thống nhất về cấp bậc của Trưởng công an quận, huyện; Trưởng cấp phòng chuyên môn nghiệp vụ của Công an thành phố đều mang hàm Đại tá.
Cũng bàn về nội dung này, ĐB Nguyễn Văn Phúc (tỉnh Hà Tĩnh) thì cho rằng, nếu Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc cao nhất là Đại tá, thì Trưởng công an quận TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ là Thượng tá. Còn nếu Trưởng công an các quận TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là Đại tá thì các Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải là Chuẩn tướng, như vậy sẽ tạo công bằng trong lực lượng vũ trang.
Mặt khác, ĐB Phúc cũng kiến nghị chỉ Giám đốc công an TP Hà Nội là Trung tướng, còn Giám đốc công an TP Hồ Chí Minh là Thiếu tướng, vì TP Hà Nội có vị trí khác với TP Hồ Chí Minh, điều này đã được quy định trong Luật, ưu tiên Thủ đô là Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, hơn nữa để đảm bảo sự tương quan giữa công an và quân đội.
Thảo luận về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan CAND, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) và nhiều ĐB khác nhất trí với quy định hạn tuổi như trong Dự thảo, trong đó Cấp uý: 53 tuổi; Thiếu tá, Trung tá: nam 55, nữ 53; Thượng tá: nam 58, nữ 55; Đại tá: nam 60, nữ 55; cấp Tướng: nam 60, nữ 55. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không đề cập đến hạn tuổi phục vụ của nữ sĩ quan giữ các chức vụ từ Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trở lên là chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ thực tiễn, nâng tuổi phục vụ để phù hợp với độ tuổi lao động mới ban hành, đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới, ĐB đề nghị đối với nữ sĩ quan từ Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trở lên phải cao hơn hạn tuổi quy định trên, nhưng không qua 5 năm.
Đề cập đến nhiệm vụ và quyền hạn của CAND, ĐB Nguyễn Hoài Phương (tỉnh Tây Ninh) cho rằng một nhiệm vụ của CAND là bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ các sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, cơ quan đại diện nước ngoài, đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, bảo vệ cá nhân nắm giữ hoặc liên quan mật thiết đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật, theo ĐB như vậy là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm đối tượng cần được bảo vệ gồm: các cá nhân có vị trí đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng lớn đến xã hội, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng như Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Một số đại biểu đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng công an xã trong dự thảo Luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho lực lượng này triển khai thực thi công vụ. Bởi thực tế hiện nay cơ cấu tổ chức, biên chế của công an xã thuộc chính quyền cơ sở, chỉ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của công an cấp trên./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam