Sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết

Sáng 5/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong những nhiệm kỳ tới thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật này.

Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật Bầu cử) được xây dựng trên cơ sở sửa đổi và hợp nhất hai luật bầu cử hiện hành, nhằm cụ thể hóa các nội dung mới của Hiến pháp, bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, chuẩn bị bầu cử.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận và phát triển quyền bầu cử, ứng cử với tư cách là quyền chính trị cơ bản của công dân; do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này. Hiến pháp cũng đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Luật định (Điều 117); do đó, cần thiết phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Luật Bầu cử.

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự án
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, một số vấn đề mới liên quan đến công tác bầu cử quy định trong các đạo luật sắp được Quốc hội xem xét, thông qua, như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương… cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các luật về bầu cử hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Thêm vào đó, quy định của Luật Bầu cử hiện hành trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như quy định về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hồ sơ của người ứng cử, quy trình hiệp thương, việc vận động bầu cử…

Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử được thuận tiện, đồng bộ và khoa học hơn; góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tới.

Dự thảo Luật Bầu cử gồm có 11 Chương với 98 Điều; kế thừa và phát triển trên cơ sở cơ cấu, bố cục lại các quy định trong hai luật về bầu cử hiện hành. Những quy định của dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp mới, đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2011.

Theo Tờ trình, trong quá trình thảo luận về tiêu chuẩn đại biểu, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 3 và Điều 7) hiện có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Quốc hội cũng như tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là những nội dung quan trọng để cấu thành tổ chức, bộ máy của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; vì vậy cần được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật Bầu cử chỉ nên quy định về tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu theo hướng viện dẫn quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự để bầu cử.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Bầu cử để khi bầu cử các tổ chức bầu cử, người ứng cử, cử tri thuận tiện trong việc áp dụng mà không phải tra cứu viện dẫn trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; mặt khác trong quá trình triển khai bầu cử cũng không phát sinh thêm chi phí cho việc in ấn, phát hành các tài liệu này.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị quy định về tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội; tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo.

Về việc kết thúc cuộc bỏ phiếu trong ngày bầu cử (Điều 71), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong quá trình tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, một số địa phương cho rằng quy định cuộc bỏ phiếu chỉ được kết thúc vào lúc 7 giờ tối là chưa hợp lý, vì thực tế nhiều khu vực bỏ phiếu (nhất là ở các đơn vị lực lượng vũ trang) có 100% cử tri trong danh sách đi bầu từ rất sớm, đề nghị quy định trường hợp các khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử thì được kết thúc cuộc bỏ phiếu, đồng thời quy định việc sử dụng hòm phiếu phụ để cho cử tri vãng lai thực hiện quyền bầu cử.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định kết thúc sớm cuộc bỏ phiếu tại các khu vực có 100% cử tri trong danh sách đã thực hiện quyền bầu cử sẽ làm phát sinh việc “chạy đua” thành tích; khi đó, việc bầu hộ, bầu thay sẽ xảy ra nhiều hơn, dễ dẫn đến các sai sót về bầu cử. Ngoài ra, nếu cho kết thúc sớm và tiến hành kiểm phiếu thì kết quả kiểm phiếu đó có thể sẽ tác động tới việc bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu khác. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không nên quy định kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm.

Về thời gian ấn định và công bố ngày bầu cử, nhiều ý kiến cho rằng qua thực tế các cuộc bầu cử, thời gian dành cho các bước hiệp thương ngắn, gây khó khăn cho cơ sở, vì vậy đề nghị cần quy định trong Luật việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố ngày bầu cử sớm lên so với quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trong Luật công bố ngày bầu cử chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (tăng thêm 10 ngày) và điều chỉnh các mốc thời gian trong quá trình bầu cử cho phù hợp.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày đã khẳng định: Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Bầu cử cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật này như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, về các nguyên tắc lập danh sách cử tri, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các quy định về việc lập danh sách cử tri về cơ bản kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và đã được áp dụng trong nhiều kỳ bầu cử của các nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, một số nguyên tắc về việc lập danh sách cử tri trong dự thảo Luật còn chưa cụ thể, chưa nhất quán hoặc không còn phù hợp với tình hình hiện nay, có thể gây ra lúng túng trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền bầu cử của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đưa ra ví dụ như quy định cử tri chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú (khoản 2 Điều 26) song cử tri là sinh viên, học sinh hoặc người lao động tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tập trung lại không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nơi mình tạm trú (khoản 4 Điều 26).

Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ thủ tục bổ sung tên vào danh sách cử tri đối với những trường hợp cử tri thay đổi nơi cư trú sau thời điểm niêm yết danh sách cử tri, trong khi lại quy định quá cụ thể về trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam (khoản 5 Điều 26)… Các trường hợp công dân tham gia bỏ phiếu ở nơi không phải là nơi cư trú (ví dụ người đang khám chữa bệnh dài ngày ở nơi khác, người đi công tác, du lịch vào thời gian bầu cử….) cũng chưa được quy định cụ thể trong Luật.

“Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị thay vì chỉ quy định theo từng nhóm đối tượng, Luật cần bổ sung quy định về các điều kiện liên quan đến thời gian cư trú để xác định quyền tham gia bầu cử của cử tri đối với từng cấp chính quyền (ví dụ như công dân có thời gian tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên được tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương đó) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam