Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở được trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 33 điều đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các hướng không điều chỉnh các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở mà quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích các hoạt động này để tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hình thức hòa giải khác nhằm phát huy sức mạnh cũng như sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng với hoạt động này. Đối với việc bầu hay lựa chọn hòa giải viên, ý kiến của cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiêng về phương án tránh hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và đơn giản thủ tục. Sau khi UBND xã công nhận, hòa giải viên phải công bố công khai cho nhân dân biết.
Bầu hay lựa chọn hòa giải viên?
Bầu hay lựa chọn hòa giải viên là vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận. Nhiều ĐB bày tỏ tán thành với phương án bầu hòa giải viên như dự thảo Luật quy định. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên; sửa đổi các quy định về tỷ lệ đại diện số hộ gia đình tham gia bầu, tỷ lệ ý kiến đồng ý khi bầu cho phù hợp với thực tế; bổ sung quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên là 5 năm hoặc gắn với nhiệm kỳ của trưởng thôn, trưởng khu phố; bổ sung quy định về các trường hợp phát sinh (không đủ tỷ lệ ý kiến tán thành, khi tổ hòa giải không đủ số lượng hòa giải viên phải bầu bổ sung….) để thuận lợi trong việc thực hiện.
Theo ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang), quy định theo hướng này sẽ phát huy dân chủ ở cơ sở và người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên ở cơ sở, cộng đồng; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm và địa vị pháp lý của hòa giải viên.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng cho rằng, để hòa giải viên hoạt động có hiệu quả không mang tính hình thức thì cần bầu hòa giải viên.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng, đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. ĐB nhấn mạnh quan điểm, “công tác hòa giải cần phát huy cao nhất dân chủ ở cơ sở để người dân được lựa chọn hòa giải viên cho dù theo phương án bầu hay lựa chọn hòa giải viên”. ĐB đề nghị, nên quy định mở đối với vấn đề này, tức là theo hướng giao cho địa phương tự lựa chọn phương án bầu hay lựa chọn hòa giải viên; địa vị pháp lý của hòa giải viên phải do Chủ tịch UBND xã quyết định.
Không tán thành phương án bầu hòa giải viên, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, cần lựa chọn, giới thiệu hòa giải viên, vì trên thực tế, tìm người làm công tác hòa giải không dễ.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải
Dự thảo Luật quy định: ”Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở nhằm bảo đảm chi trả thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc; biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở và hỗ trợ các chi phí hành chính cần thiết cho hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở”.
Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét việc quy định “hỗ trợ”, vì nếu chỉ mang tính hỗ trợ thì không rõ tính chất bắt buộc, mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế; đồng thời, đề nghị nên làm rõ mức hỗ trợ hay thù lao đối với hòa giải viên.
Đồng tình với quy định như dự thảo Luật, ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng, kinh phí cho hoạt động hòa giải chỉ mang tính chất động viên. Vì vậy, nếu quy định cụ thể thì thực tế sẽ khó thực hiện do điều kiện thu ngân sách ở mỗi địa pương là khác nhau.
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) bày tỏ phân vân về quy định chi trả thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc, hòa giải viên được một khoản bồi dưỡng khi thực hiện hòa giải. Theo ĐB, kinh phí cấp xã chi cho hoạt động hòa giải rất hạn hẹp, đặc biệt với những vùng sâu xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn không có nguồn thu, chủ yếu do ngân sách cấp trên hỗ trợ. “Thù lao cho một vụ việc hòa giải ở Bình Định rất thấp, mỗi cuộc hòa giải thành công được 20 -30 nghìn, hòa giải không thành được 10 - 15 nghìn, thậm chí nhiều nơi không bố trí được kinh phí thì người hòa giải không được thù lao” – ĐB nêu thực tế.
ĐB Nguyễn Thanh Thụy đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ, nếu thực hiện như quy định của Luật thì hàng năm cần bố trí bao nhiêu, cấp nào bố trí kinh phí?
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, không nên dùng cụm từ “hỗ trợ”, vì nếu chỉ mang tính hỗ trợ thì không rõ tính chất bắt buộc. ĐB đề nghị, cần quy định Nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này, bởi thực tế, hoạt động này được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và không có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng thu, cân đối ngân sách khác nhau giữa các địa phương, nên ĐB đề nghị, cần có những quy định mang tính nguyên tắc như những hoạt động được hỗ trợ kinh phí, mức sàn tối thiểu cho mỗi vụ việc hòa giải để không có sự chênh lệch lớn về mức hỗ trợ giữa các địa phương trong cả nước.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam