Giải trình về tên gọi của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, việc lấy tên Luật như vậy vừa phù hợp với nội dung của dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn tổ chức thực hiện GDQPAN trong những năm qua, vừa đáp ứng được yêu cầu gắn kết giữa giáo dục quốc phòng với giáo dục an ninh và vẫn bảo đảm được tính độc lập tương đối giữa hai lĩnh vực này.
Về ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến GDQPAN, UBTVQH cho rằng người nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuy không phải là đối tượng GDQPAN, nhưng họ có trách nhiệm chấp hành pháp luật Việt Nam, đồng thời họ phải có hiểu biết về Luật này và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam làm việc trong tổ chức mà họ quản lý (như doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ có 100 % vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài...) thực hiện pháp luật của Việt Nam nói chung, pháp luật về GDQPAN nói riêng. Quy định này cũng để thống nhất với Điều 2 của Luật quốc phòng.
Tiếp thu ý kiến đề nghị không quy định GDQPAN cho học sinh tiểu học, THCS, vì như vậy sẽ làm quá tải chương trình học; có ý kiến đề nghị GDQPAN cho đối tượng này phải phù hợp với lứa tuổi và xác định nội dung, yêu cầu phù hợp. Ý kiến khác đề nghị cần quy định cụ thể là 15% đối với tiểu học và 20% đối với THCS để tránh lạm dụng, UBVTQH giải trình, nội dung GDQPAN cho học sinh tiểu học, THCS đã được thực hiện trong nhiều năm qua, không thành môn học riêng mà được lồng ghép vào các môn học phù hợp của chương trình với thời lượng mà Bộ GD&ĐT đã tính toán và áp dụng nhìn chung là phù hợp (tiểu học là 16,48%, THCS là 21,96% so với tổng thời lượng các môn học và cũng sát với kiến nghị trên đây là 15% và 20%).
UBTVQH cho hay, đây là những kiến thức rất cần thiết nhằm góp phần hình thành nhân cách toàn diện, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các cháu học sinh ngay từ nhỏ. Việc không quy định cứng tỷ lệ phần trăm trong dự thảo Luật là để Bộ GD&ĐT tạo căn cứ vào tình hình thực tế sẽ cân đối trong quá trình xây dựng chương trình. Tuy nhiên, tiếp thu một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý các nội dung bảo đảm tính thực tiễn và khả thi của điều luật như Dự thảo trình Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Hiền Vân (TP Hà Nội) cho rằng, GDQPAN phải phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên để các em nắm chắc, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch với Việt Nam; cách phòng chống chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị giáo dục cho học sinh, sinh viên có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường giáo dục tuyên truyền biển đảo của Tổ quốc; giáo dục cho học sinh, sinh viên nắm được tiêu chí, phân biệt rõ bạn, thù, đối tượng, đối tác, không phai nhạt về ý chí, không mắc mưu luận điểm của thù địch, từ đó xây dựng niềm tin, có phương pháp đấu tranh để góp phần giữ vững chủ quyền, vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị trong Luật GDQPAN thể hiện rõ hơn về vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường, trong việc GDQPAN. Ngoài ra, trước âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch, đại biểu cho rằng cần bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các nhà quản lý của các DN, đặc biệt các DN liên doanh với nước ngoài, các DN có xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài. Đây là vấn đề hết sức quan trọng về đảm bảo an ninh quốc gia.
Liên quan đến các chế độ, chính sách trong Luật này không quy định cụ thể, nhưng đại biểu Duyền đề nghị trong hướng dẫn của Chính phủ phải quy định cụ thể hơn về đầu tư ngân sách, đặc biệt đầu tư cho tuyên truyền phổ biến, nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân, các cấp dưới cơ sở.
Đại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho hay, thực tế cho thấy việc GDQPAN cho thanh thiếu niên theo quy định hiện hành chỉ tập trung vào việc thực hiện chương trình quy định trong giáo dục chính khóa, học chưa thực sự đi đối với hành, do đó các hoạt động ngoại khóa còn hình thức như học kỳ quân đội, học làm người có ích chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư đúng mức, nên chỉ có một bộ phận nhỏ các em được tham gia. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản vào luật về quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức liên quan hướng dẫn GDQPAN thông qua các hoạt động ngoại khóa cho thanh thiếu niên. Cần phải giao trách nhiệm cụ thể như vậy thì mới đáp ứng yêu cầu.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam