Bảo tàng Ninh thuận: 20 năm hình thành và phát triển

(NTO) Ngày 26-4-1993, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 350/QĐ-UBND về việc thành lập Nhà Bảo tàng tỉnh, trên cơ sở Phòng Bảo tồn và Bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa- Thông tin và chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn tỉnh.

Từ khi mới thành lập, từ chỗ ban đầu chỉ có 4-5 cán bộ, đến nay bộ máy tổ chức của Bảo tàng tỉnh ngày càng được củng cố, hoàn thiện, với 30 cán bộ, viên chức, trong đó 9/11 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có trình độ đại học; sự phát triển của đội ngũ cán bộ luôn gắn liền với quá trình phát triển của đơn vị.

Triển lãm chuyên đề “Ninh Thuận qua hai cuộc kháng chiến” tại Bảo tàng Ninh Thuận.
Ảnh: Châu Thanh Tùng

Công tác nghiên cứu-sưu tầm, bảo quản từ chỗ chỉ có 309 hiện vật (năm 1992), đến nay đã nâng lên 39.026 hiện vật, với nhiều hiện vật quý, bao gồm nhiều chất liệu, có giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa; nhiều đề tài nghiên cứu về các nghề truyền thống, phong tục của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như: Nghề dệt chiếu ở An Thạnh (Ninh Phước); nghề đan võng ở Khánh Nhơn (Ninh Hải) và các Lễ Bỏ mả, Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai, Lễ cưới của người Chăm... Cách đây 20 năm, ngoài 3 khu vực di tích tháp Chăm: Hòa Lai, Poklong Garai, Pôrômê và Di tích Bẫy đá Pi Năng Tắc đã được cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia, đến nay đã có 14 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia và 27 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh; các di tích đã xếp hạng đều được quan tâm thực hiện tốt chức năng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Để tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đáp ứng xu thế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh tại khu vực Quảng trường – Tượng đài trên đường 16 Tháng 4. Sau gần 5 năm triển khai thi công, ngày 21-2-2012, Bảo tàng Ninh Thuận mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, phục vụ khách tham quan, đây là một thành quả lớn, bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp bảo tàng của tỉnh. Bảo tàng Ninh Thuận là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, là một trong những công trình khang trang của tỉnh, chỉ sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động, Bảo tàng đã kịp thời tổ chức triển lãm chuyên đề “ Ninh Thuận qua hai cuộc kháng chiến”, qua hơn 1 tháng phục vụ đã có hơn 19.000 lượt khách đến tham quan; tháng 10-2012, phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức thành công đợt trưng bày chuyên đề “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, thời gian mở cửa phục vụ 3 ngày nhưng đã có hơn 3.000 lượt khách đến tìm hiểu, tham quan.

Qua 20 năm hoạt động, Bảo tàng Ninh Thuận luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Ninh Thuận luôn tự hào về những gì đã làm được, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh nhà. Trong thời gian tới, Bảo tàng Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu vươn lên xứng đáng với tầm vóc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.