Ở Tây Nguyên, mỗi dân tộc có kiểu làm nhà rông khác nhau, dù nhìn qua lại ngỡ giống nhau. Nhà rông nhỏ và thấp? nhất là của người Giẻ Triêng, còn nhà rông của người Xê Ðăng lại vút cao uy vũ. Trong khi nhà rông của người Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh thì nhà rông của người Ba Na lại mềm mại như gà mẹ đứng giữa, đàn gà con là các nhà sàn chung quanh... Và không hiểu tại sao đến bây giờ, nhà rông chỉ còn ở các dân tộc phía bắc Tây Nguyên, từ Gia Lai trở ra đến các dân tộc ven dãy Trường Sơn ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam,... Phía nam Tây Nguyên, từ Ðác Lắc trở vào, với các dân tộc như Ê Ðê, Mơ Nông,... thì nhà rông không còn, mà đồng bào làm nhà dài; và tất nhiên, ý nghĩa cộng đồng không giống như nhà rông.
Nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Ðể làm được nhà rông, thường mỗi làng, thậm chí cả vùng, chỉ có một vài người, vừa do năng khiếu bẩm sinh, vừa được truyền nghề, để có thể chỉ huy dân làng làm nhà rông. Ngôi nhà chỉ có tranh tre nứa lá, hoàn toàn dùng rìu và dao rựa, thế mà cao vút và uy nghi, tinh tế, lại có khả năng chống chọi với gió cao nguyên mùa khô và mưa thối đất mùa mưa... Nhà rông vừa là nơi dân làng tụ tập sinh hoạt, như là "trái tim" của làng, đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của đời sống, như có chỗ ngủ, có bếp lửa, có nơi dành cho khách. Khách đến làng thì mời lên nhà rông, ở đấy như ở nhà mình. Ðến bữa, dân làng mang đồ ăn tới, nhà nào cũng mời khách, khách trở thành khách chung của mọi người. Lại có nơi cho dân làng hội họp, sàn rộng để ngồi, sàn thưa để ngồi uống rượu cần... Tại một số làng, bà con còn làm đến hai nhà rông, "nhà rông cái" dành cho phụ nữ, "nhà rông đực" dành cho đàn ông. Nhưng dù vậy, nhà rông còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn, chi phối đời sống tinh thần của buôn làng. Về mặt nào đó, nhà rông như đình làng của người Việt, nó gắn với đời sống. Ngôi nhà biểu hiện sự hùng mạnh của làng, nhà rông càng to thì làng càng mạnh, càng sung túc. Về tinh thần, ngôi nhà như là nơi linh thiêng, nhà rông cao to như thể là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang (trời). Do vậy, các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong bất cứ nhà rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà rông đều phải trang trí thật đẹp với hoa văn, họa tiết mô phỏng hình mặt trời, rau dớn...
Rồi không biết từ năm nào, chúng ta quyết định giúp dân làng bằng cách làm các nhà rông văn hóa cho đồng bào. Trong vòng vài chục năm, hàng loạt nhà rông văn hóa ồ ạt ra đời từ nhiều nguồn đầu tư của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và của một số đơn vị nhà nước tặng, v.v
Về nguyên tắc nhà rông bao giờ cũng nằm ở trung tâm của làng, nó đạt đến độ hài hòa kinh ngạc giữa cảnh quan chung quanh, với các ngôi nhà sàn của làng và với chính nó. Các nhà kiến trúc đều công nhận, chỉ với đôi tay và đôi mắt ước lượng của các nghệ nhân, chỉ có dao và rìu, mà người dân Tây Nguyên đã tạo nên ngôi nhà rông rất lớn với tỷ lệ "vàng". Nó đủ lớn để chứng minh sự uy dũng, nhưng cũng đủ mềm mại để thân thuộc trong mắt mỗi người dân trong cộng đồng. Nó đủ cao to để tự hào, để mọi người dân gửi khát vọng của mình vào đó trong ước muốn chinh phục, và cả tư tưởng thần phục, nhưng cũng đủ để chống chọi với nắng với gió cao nguyên để tồn tại như một biểu tượng vĩnh hằng của cái đẹp và sự trường tồn... Nhà rông văn hóa đã phá vỡ điều này. Vì ngôi nhà là của xã, nên thường đặt cạnh trụ sở xã. Với người dân Tây Nguyên, khái niệm "xã" còn khá xa lạ, vì bà con coi làng là đơn vị trung tâm, ý thức làng của bà con rất lớn, vì thế khi nhà rông văn hóa được dựng ở ngoài làng, bà con coi như không phải của mình. Chưa kể còn các bất tiện khác để bà con không lên, không sử dụng nhà rông văn hóa.
Cách đây hơn hai chục năm, một nhà rông văn hóa rất to được xây dựng tại sân trụ sở xã A Yun, huyện Mang Yang với kinh phí đầu tư khá lớn. Sau khi khánh thành, ngôi nhà đóng cửa đến tận hôm nay và bắt đầu hư hỏng. Thực tế này bắt đầu từ chỗ, khi làm nhà rông văn hóa, chúng ta đã không tính đến các yếu tố sau đây: Một là, ý nghĩa tâm linh không còn vì không có nơi để vật thiêng, dù vật thiêng đôi khi chỉ là hòn đá, cái nanh thú, con dao,... nhưng đó là nơi dân làng gửi niềm tin, nơi trao gửi ước mơ, khát vọng và bao điều sâu xa thầm kín. Hai là, người Tây Nguyên không hình dung nổi một ngày nào đó lại thờ chung Yang, cùng người làng khác "đối thoại" với Yang từ cái nóc nhà rông cao vút kia, từ cây nêu mềm mại trước sân kia? Ba là, về sự tiện dụng. Nhà rông truyền thống được lát sàn bằng le, chừa các kẽ hở với nhiều tác dụng. Khi uống rượu ghè thì sẽ có nước chảy ra và nước sẽ theo kẽ hở lọt xuống sàn ngay, không ướt lép nhép như sàn xi-măng hoặc ván khít khịt của nhà rông văn hóa. Nhà rông truyền thống là của chung của làng, nhưng cũng là của từng người, thanh niên chưa vợ và đàn ông vợ chết có thể lên ngủ hằng đêm, nhà rông văn hóa không có điều này, vì đến khuya là khóa cửa. Bốn là, ngôi nhà không còn là niềm tự hào của làng nữa, vì của Nhà nước làm cho, nên dẫu có rồi, mỗi làng vẫn cứ làm một nhà rông của mình. Lúc ấy nhà rông văn hóa trở thành... biểu tượng. Năm là, nhà rông văn hóa được trang bị để trở thành một thiết chế gồm máy nổ, loa đài, vô tuyến truyền hình, đầu chiếu vi-đê-ô,... nhưng lại chưa tính tới chi phí vận hành. Ở nhà rông văn hóa xã A Yun, sau vài buổi ban đầu chiếu phim thì phải nghỉ, vì không có tiền thuê băng, không có tiền mua xăng chạy máy nổ, không có tiền để trả lương người phụ trách nhà rông,... Thế thì tốt nhất là khóa lại cho an toàn! Sáu là, nó phá vỡ sự hài hòa, và cả sự yên bình vốn có của các làng Tây Nguyên. Hãy hình dung giữa những ngôi nhà sàn lúp xúp lại nổi lên một khối bê-tông lù lù với mái tôn lạnh lẽo, thô kệch. Về các làng Tây Nguyên sẽ thấy một nghịch lý, là: bên ngôi nhà rông văn hóa hoành tráng đứng đâu đó ở đầu làng, thì giữa làng vẫn có ngôi nhà rông nhỏ bé thôi, nhưng ấm áp và thân thuộc. Nhà rông này là nơi dân làng thường xuyên lui tới, còn nhà rông văn hóa, năm thì mười họa mời bà con lên họp khi có cán bộ về phổ biến gì đó, họp xong bà con lại về nhà rông của mình uống rượu, chuyện trò, sinh hoạt như hàng nghìn năm qua... Như vậy là phải chăng, chúng ta đã duy ý chí khi áp đặt suy nghĩ của mình vào sinh hoạt cộng đồng của cư dân Tây Nguyên, dù có thể ý tưởng ban đầu là tốt?
Ông họa sĩ Xu Man người Ba Na, từng nhiều năm là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi về hưu đã cương quyết về làng, dù tỉnh Gia Lai - Kon Tum hồi ấy có nhã ý xây tặng ông một ngôi nhà tại thị xã. Ông không nhận thì họ mang ngôi nhà ấy về làng xây cho ông. Nhưng bên cạnh ngôi nhà xây này, ông Xu Man lại cho con cháu làm một ngôi nhà sàn phía sau để ở. Và rồi, bên bếp lửa phập phù tối sáng của ngôi nhà sàn ấy, khá đông văn nhân nghệ sĩ từ khắp nơi về thăm ông, đã quây quần uống rượu cần, rồi nằm ngủ giữa mùa khô lạnh giá mà vẫn ấm áp. Bởi ở đây họ cảm nhận được hơi thở, đời sống và tâm hồn của mảnh đất Tây Nguyên.
Nguồn Báo Nhân dân