Bước sang năm thứ ba, cuộc vận động tiếp tục thu được những kết quả khả quan. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong một số siêu thị của doanh nghiệp trong nước, hàng nội địa chiếm tỷ trọng 80- 90%.
Có thể nói có được những tín hiệu đáng khích lệ này là do thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền đã được quan tâm đúng mức, đặc biệt là qua các kênh truyền thông đại chúng. Đặc biệt, trang thông tin điện tử về cuộc vận động đã được đưa vào vận hành tại địa chỉ: www.tuhaohangvietnam.vn. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để các địa phương có cơ sở hạn chế nhập khẩu, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.
Bên cạnh việc tuyên truyền, công tác đưa hàng Việt tới các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được các địa phương rất quan tâm và trở thành nội dung trọng tâm hưởng ứng cuộc vận động. Theo đó, từ đầu năm đến nay, đã có 152 đợt bán hàng về nông thôn được tổ chức, thu hút hơn 632.000 lượt người tham quan mua sắm, doanh thu hơn 51 tỷ đồng. Hoạt động khuyến mại diễn ra sôi động với tổng trị giá khuyến mại hơn 13.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để các hoạt động này mang tính bền vững và hàng Việt có thể “bén rễ” vào thị trường, các doanh nghiệp cần sớm thiết lập các điểm bán hàng cố định tại các địa phương.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, chủ trương của cuộc vận động và nỗ lực của ngành Công Thương đã góp phần không nhỏ trong việc thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại, tỷ lệ nhập siêu đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt đã có những thay đổi tích cực. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã nhận thức đúng đắn hơn tầm quan trọng của thị trường trong nước, còn các doanh nghiệp bước đầu có những đầu tư nghiêm túc vào chất lượng hàng hóa và khâu hậu mãi.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hiệu quả, Bộ Công Thương đề xuất: Bên cạnh việc tăng cường, tạo sự “đồng nhịp” trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, cần có những khảo sát, đánh giá thực tế để có những giải pháp, điều chỉnh phù hợp; phân bổ kinh phí cho các hoạt động thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia để tạo cơ sở thực hiện cuộc vận động, đặc biệt là các hoạt động mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục xem xét, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nội địa. Các địa phương cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, lồng ghép thực hiện các mục tiêu của cuộc vận động với Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương...
Bộ Công Thương sẽ phát động triển khai Tuần lễ khuyến mại hàng Việt trên cả nước trong thời điểm tổng kết 3 năm Bộ Chính trị phát động cuộc vận động (tháng 10-2012).
Nguồn Báo Công Thương Điện tử