Lao đao cây thuốc lá

(NTO) Đầu tháng 8, chúng tôi đến Phước Vinh (Ninh Phước) để tìm hiểu về sự sụt giảm đột ngột của diện tích trồng cây thuốc lá. Theo thông tin có được, trong vụ đông-xuân với kế hoạch trồng 150 ha thuốc lá, Phước Vinh chỉ thực hiện được 50 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Phước An 1 và Liên Sơn 1. Điều đáng nói là có nhiều dấu hiệu cho thấy nông dân địa phương đang "quay lưng" với cây thuốc lá. Vì sao?

Nhiều nông dân ở Phước Vinh vẫn chưa quên thời kỳ hoàng kim của cây thuốc lá. Những năm trước đây, có thời điểm như vụ đông-xuân 2005-2006, diện tích thuốc lá trồng cả xã lên đến 520 ha, nhưng từ năm 2010 diện tích bất ngờ giảm xuống còn 250 ha và đến năm 2011 chỉ còn 120 ha. Thuốc lá trồng ở Phước Vinh có 2 loại là: Thuốc lá nâu RMB 35 (thường gọi nâu địa phương) và thuốc lá nâu Madol (người dân quen gọi nâu nhai Thụy Điển).

 
Nông dân thôn Vụ Bổn (xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) chăm sóc cây thuốc lá niên vụ 2011- 2012.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trước viễn cảnh xuất khẩu thuốc lá nâu Madol đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2006 Phước Vinh đã quy hoạch vùng chuyên canh thuốc lá, dự kiến đến năm 2010 đẩy diện tích trồng lên 1.000 ha. Thế nhưng những gì diễn ra đã trái ngược sự kỳ vọng của địa phương. Chị Lê Thị Thanh Thu, ở thôn Phước An 1 chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ không khí rộn ràng hồi ấy vào mùa thu hoạch thuốc lá, gia đình tôi trước kia trồng cả mẫu thuốc lá, nhờ nó mà cất nhà cửa, sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt. Thế nhưng từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã không trồng thuốc lá nữa”. Nhiều nông dân trồng thuốc lá lâu năm cũng cho biết họ đã chuyển sang trồng cây khác, mà cụ thể là bắp lai giống. Thực tế cho thấy, trong khi diện tích cây thuốc lá giảm dần, diện tích cây bắp lai lại đang có chiều hướng tăng, từng bước thay thế cây thuốc lá truyền thống.

Anh Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh giải thích: “Vị thế cây thuốc lá mất dần là do 3 nguyên nhân: Dịch bệnh hại cây, không hiệu quả kinh tế bằng cây trồng khác và nặng công sức đầu tư, chăm sóc”. Trước hết nói về dịch bệnh, vụ trồng vừa rồi Phước Vinh đã có trên 13 ha thuốc lá (chiếm 26,28%) bị bệnh vi-rút xoắn lá, là loại bệnh hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị hữu hiệu. Cây nhiễm vi-rút chỉ trồng khoảng 25-30 ngày, mới nảy 5-10 lá thì ngọn cây bị xoắn lại, không tăng trưởng nữa. Đã thế so sánh với cây bắp lai giống, cây thuốc lá thua hẳn về giá trị kinh tế. Cùng trồng trên diện tích 1 sào, nếu đạt cao nhất với sản phẩm loại 1, 2, trừ chi phí, thuốc lá cho lãi khoảng 2 triệu đồng, nhưng cũng cùng diện tích, bắp lai giống có thể cho lãi 3-4 triệu đồng. Việc chăm sóc cây thuốc lá cũng cực nhọc, tốn kém và nhạy cảm với thời tiết hơn cây bắp lai nhiều. Điều nghịch lý là trong khi thị trường tiêu thụ thuốc lá nâu xuất khẩu đang có nhu cầu rất lớn, nông dân lại giảm dần diện tích trồng. Hầu như cây thuốc lá nâu giờ chỉ có Phước Vinh trồng, còn xã Phước Sơn lân cận, cũng nổi tiếng trồng thuốc lá trước kia, và thôn Như Bình (Phước Thái), từng có tiếng về mô hình thuốc lá hiệu quả, đã không còn trồng thuốc lá trong vụ đông-xuân vừa qua.

Nhìn rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh, trong vụ trồng 6 tháng đầu năm, theo kế hoạch sẽ có diện tích 700 ha thuốc lá nhưng thực ra chỉ trồng được 452 ha, bằng 65,1% và kể cả sản lượng cũng giảm còn 41,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích trồng thuốc lá ở tỉnh ta đang giảm dần từng năm; trong năm 2010, lần đầu tiên sau nhiều năm diện tích thuốc lá tăng lên đến 1.217 ha nhưng sang năm 2011 đã tuột xuống còn 694 ha. Ngoài diện tích thuốc lá nâu trồng ở Phước Vinh nói trên, còn lại là thuốc lá vàng trồng nhiều tại xã Mỹ Sơn và các địa phương thuộc huyện Ninh Sơn. Trái với thuốc lá nâu, thuốc lá vàng đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Thuốc lá vàng sấy phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, nếu nhu cầu lớn, Tổng Công ty thuốc lá hoặc chi nhánh Công ty Thuốc lá Hòa Việt sẽ đặt hàng trồng nhiều. Nhưng gần đây, việc tiêu thụ đang chững lại, thị trường đang có sự cạnh tranh của thuốc lá Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Thêm vào đó, nông dân đang có xu hướng chuyển sang trồng các cây hiệu quả, dễ chăm sóc hơn như bắp lai, khoai mì, mía”.

Cây thuốc lá đang trong bước thăng trầm, thực trạng giảm dần diện tích ở các vùng nguyên liệu cũ đã cho thấy vị thế của nó sẽ mất dần trong cơ cấu cây trồng. Nguyên nhân đã xác định rõ, sự thoái hóa giống do vi-rút bệnh đối với thuốc lá nâu, sự bất thường của thị trường đối với thuốc lá vàng, nhưng trên tất cả là do có cây trồng khác thay thế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước sự lựa chọn của nông dân, ngành NN&PTNT chỉ còn có giải pháp cùng Ban điều hành thuốc lá tỉnh và các doanh nghiệp tiếp tục vận động, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cây thuốc lá mở rộng diện tích. Nhưng kết quả ra sao hoàn toàn tùy thuộc vào nông dân.