Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng: Việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân và của báo chí. Đảm bảo sự công khai, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước. Việc thực hiện tốt quy chế này đã tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác nhất với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng, ngoài những mặt làm được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là việc phát ngôn tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, cử ra người phát ngôn để khi gặp báo chí thì đọc bài viết sẵn, phóng viên hỏi thêm thì xin trả lời sau hoặc để xin ý kiến cấp trên… Việc cung cấp thông tin chỉ dồn cho một người, trong khi người phát ngôn không tường tận mọi vấn đề hoặc bận việc, đi công tác nên phóng viên rất khó tiếp cận nguồn thông tin. Nhiều địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc với báo chí. Đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm, việc tiếp cận của báo chí càng khó khăn hơn, các cơ quan liên quan thường tìm cách né tránh, khất lần…
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị nên có người phát ngôn chuyên nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin. Mỗi cơ quan hành chính nên thiết lập đường dây “nóng” để trong những trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp phóng viên thu thập thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không đảm bảo tính thời sự của báo chí.
Nguồn Báo SGGP Online