Theo đó, Nghị quyết triển khai một số cải tiến, đổi mới trong các hoạt động như: lập pháp; giám sát; Quyết định các vấn đề quan trọng; Tổ chức kỳ họp QH; Tổ chức phiên họp UBTVQH; Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH; Công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của QH.
Nội dung được nhiều ĐB quan tâm nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Nghị quyết quy định giao UBTVQH xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2012).
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy Hiến pháp, Luật tổ chức QH, Luật hoạt động giám sát của QH và một số văn bản khác đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn nhưng từ khi có quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, Nghị quyết đề ra yêu cầu xây dựng quy trình thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn để tổ chức thực hiện được quy định hiện hành về vấn đề này và để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương. Theo đó, giao UBTVQH xây dựng Quy chế trình QH tại kỳ họp thứ 4.
Về công tác chất vấn, Nghị quyết quy định QH dành toàn bộ thời gian chất vấn trực tiếp tại hội trường. Trên cơ sở chất vấn của ĐBQH gửi tới Chủ tịch QH, UBTVQH dự kiến lựa chọn một số nhóm vấn đề quan trọng, được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm để chất vấn tại Hội trường. Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề, tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận. Câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không giải thích dài hoặc chỉ hỏi thông tin. Thời gian tối đa cho một lần hỏi không quá 2 phút. Người trả lời chất vấn phải trả lời ngắn gọn, trực tiếp, cụ thể vào nội dung của câu hỏi; thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH xem xét và khi cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Nghị quyết về chất vấn nêu rõ kết quả phiên chất vấn, yêu cầu đặt ra đối với người trả lời chất vấn; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật; xác định trách nhiệm thực hiện lời hứa trước Quốc hội khi trả lời chất vấn và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện.
Hàng năm, tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp UBTVQH về những vấn đề được QH giao, do đại biểu QH chất vấn hoặc UBTVQH lựa chọn; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và đại biểu Quốc hội quan tâm đăng ký tham dự phiên họp chất vấn của UBTVQH, phiên họp giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tùy theo nội dung có thể thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, giải trình; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp hoặc truyền hình trực tuyến để các đại biểu Quốc hội tham gia và nhân dân theo dõi, giám sát. Giao UBTVQH xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, tổ chức giải trình tại Hội đồng dân tộc, UBTVQH.
Nghị quyết cũng quy định, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp thứ nhất của năm trước để có thời gian, điều kiện cho các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai việc thực hiện tại địa bàn, đơn vị liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2012.
Theo Hanoimoi.com.vn