Sau 5 năm thực hiện, Nghị định 150/2006/NĐ-CP (Nghị định 150) đã đi vào cuộc sống. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của Hội Cựu chiến binh và cựu chiến binh được nâng lên. Công tác xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội cựu chiến binh có bước phát triển mới và đạt nhiều kết quả; hoạt động của Hội được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nghị định 150 đã tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng và hoạt động của Hội cựu chiến binh và cựu chiến binh; tạo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương với Hội cựu chiến binh, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ đối với cựu chiến binh, tạo niềm tin, sự phấn khởi của cựu chiến binh trước sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước và là nguồn động viên, khích lệ lớn các thế hệ cựu chiến binh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, Hội cựu chiến binh các cấp đã thực hiện nghiêm túc Nghị định 150. Theo Phó Thủ tướng, Pháp lệnh cựu chiến binh và Nghị định 150 đã tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với tổ chức hội, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cựu chiến binh trong cả nước, tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện hoạt động của Hội cựu chiến binh và cựu chiến binh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác cựu chiến binh và Hội cựu chiến binh có ý nghĩa rất sâu sắc, là nền tảng cho sự vững bền của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Ở đâu có cựu chiến binh là ở đó có chống tham nhũng, chống suy thoái mạnh mẽ, ở đâu cấp ủy chính quyền cũng phải dựa vào cựu chiến binh để chống suy thoái, đói nghèo và xây dựng chính quyền.
Phó Thủ tướng nêu rõ nòng cốt của chính sách xã hội là quan tâm đến người có công, trước hết là thương binh liệt sỹ, cựu chiến binh. Làm tốt chính sách đối với cựu chiến binh thông qua Hội cựu chiến binh là thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với lớp người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Phó Thủ tướng đánh giá nhận thức được điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai chính sách. Do đó, cần có suy nghĩ để thực hiện hỗ trợ chính sách đối với người có công, nhất là cựu chiến binh.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt văn bản của Đảng và Nghị định 150 để mọi cấp, mọi ngành hiểu rõ hơn nữa việc chăm lo cho cựu chiến binh, Hội cựu chiến binh là trách nhiệm của cơ quan nhà nước và từng cán bộ, đảng viên; phối hợp xem xét chế độ, cơ chế chính sách, bổ sung sửa đổi văn bản hiện hành để khắc phục những vướng mắc, bất cập và điều chỉnh bổ sung những vấn đề mới phát sinh.
Các bộ cần phối hợp với Hội cựu chiến binh Việt Nam rà soát các văn bản hướng dẫn, có ngay thông tư quy định chi tiết Nghị định 150 để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cựu chiến binh và Hội cựu chiến binh.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Hội cựu chiến binh cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, không để xảy ra điểm nóng.
Hội cựu chiến binh các cấp và cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền động viên hội viên giữ gìn, phát huy truyền thống bản chất bộ đội cụ Hồ. Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Nghị định quyết liệt hơn nữa, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Với đề nghị của Bộ Nội vụ và Hội cựu chiến binh Việt Nam về việc tổng kết Pháp lệnh cựu chiến binh và xây dựng Luật cựu chiến binh, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 17 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định 150.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam