“Sửa đổi lối làm việc” và hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

(NTO) Tháng 10-1947, với bút danh X.Y. Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm này gồm 6 phần:

1. Phê bình và sửa chữa: Nêu lên tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình. Cách thức tiến hành. Những căn bệnh cần phải sửa chữa trong lối làm việc của Đảng.

2. Mấy điều kinh nghiệm: Nêu lên 6 bài học lớn:

- Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong;

- Có chính sách đúng đồng thời phải có cách làm đúng;

- Phải nghiên cứu kinh nghiệm đến tận gốc;

- Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái;

- Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân;

- Sát quần chúng, hợp quần chúng.

3. Tư cách và đạo đức cách mạng: Nêu 12 tiêu chuẩn của một Đảng chân chính cách mạng; nhiệm vụ của đảng viên và cán bộ, 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; Những khuyết điểm cần sửa chữa và cách sửa chữa.

4. Vấn đề cán bộ: Công tác huấn luyện cán bộ; bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, chính sách cán bộ.

5. Cách lãnh đạo.

6. Chống thói ba hoa.

Một số nội dung của 6 bài học lớn cần được chúng ta nghiên cứu, vận dụng; đó là:

+ Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc vì cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng

+ Có chính sách đúng đồng thời phải có cách làm đúng: Chính sách đúng nhưng cách làm không tốt hoặc không đúng sẽ dẫn đến hậu quả xâm phạm lợi ích của nhân dân, của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, việc thực hiện chính sách phải bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với lợi ích của nhân dân, của Nhà nước và xã hội.

+ Phải nghiên cứu kinh nghiệm đến tận gốc: Bất kỳ công việc gì thành công hoặc thất bại chúng ta đều cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng và kết luận. Kết luận đó sẽ là chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ phát triển, tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng.

+ Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân: Chúng ta đều biết, Đảng và Chính phủ chỉ mưu cầu giải phóng cho nhân dân, vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đó là một lẽ rất đơn giản, rõ ràng nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu cho nên trong lúc làm việc thường sai lầm, đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía. Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này “Dân rất tốt”. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn đến mấy họ cũng làm được, hy sinh đến mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm.

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã xác định mục tiêu trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm điều kiện cho nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh, bền vững. Một số lĩnh vực trọng tâm cần tập trung là: Đầu tư; đất đai; xây dựng; sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu; nhập khẩu; y tế; giáo dục; lao động; bảo hiểm; khoa học; công nghệ và một số lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo yêu cầu cải cách trong từng giai đoạn.

Nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ và đội ngũ cán bộ ấy phải thể hiện được 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là:

1. Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không ngại cực khổ; không sợ oai quyền.

Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì cần làm là họ đều làm được.

2. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

3. Trí là không có việc tư túi làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng, biết xem người, biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

4. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

5. Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020 rất cần những cán bộ hội đủ 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng, bảo đảm phát huy mọi nguồn lực cho phát triển đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…