Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác vận động quần chúng “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”(3), bởi vì, cán bộ là dây chuyền của bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Hơn nữa, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ kém thì chính sách hay mấy cũng không thể thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phẩm chất, năng lực toàn diện: có đạo đức cách mạng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, có trí tuệ, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi. Đối với người cán bộ cách mạng, Người yêu cầu phải nắm vững lý luận Mác - Lênin, vận dụng vào thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm công tác, phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Ngoài những phẩm chất đã nêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới phong cách làm việc, đặc biệt là phong cách quần chúng của người cán bộ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách quần chúng của người cán bộ cách mạng là hết sức cần thiết, nhờ đó mà sâu sát, liên hệ mật thiết với nhân dân, không mắc bệnh chủ quan, không quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: Sâu sát quần chúng là biểu hiện quan trọng nhất của phương pháp làm việc XHCN, nó đối lập với lề lối làm việc quan liêu, hống hách, cửa quyền của bọn quan lại cai trị dưới chế độ cũ. Người cho rằng: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu”(4). Do vậy, rèn luyện phong cách quần chúng trong công tác luôn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phong cách quần chúng của người cán bộ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, biết định cách làm việc, cách tổ chức phong trào phù hợp với quần chúng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải có phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phù hợp với quần chúng; phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ của quần chúng mà định cách làm việc, cách tổ chức. Cán bộ làm việc vì lợi ích của quần chúng cho nên cách tổ chức và cách làm nào không phù hợp với quần chúng thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(5).
Người từng căn dặn đội ngũ cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc; phải luôn luôn chống thói làm việc tuỳ tiện, chủ quan, coi thường quần chúng. Đối với đội ngũ cán bộ, hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Để làm được như vậy, cán bộ phải luôn sâu sát quần chúng để học cách nói, cách viết sao cho hợp với quần chúng, và quan trọng hơn đó là biết giải quyết những vấn đề thiết thực có liên quan cụ thể tới đời sống của quần chúng - đó mới là một người cán bộ thực sự sâu sát quần chúng, thực sự hiểu dân, yêu dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải chống thói ba hoa, chủ quan, chống bệnh hình thức, khuôn sáo. Người cho rằng, cách nói, cách viết ba hoa, sáo rỗng là hệ quả của tác phong quan liêu, thái độ làm việc chủ quan, phương pháp làm việc tuỳ tiện. Những căn bệnh này phá hoại mối quan hệ cán bộ với quần chúng, làm cho quần chúng mất lòng tin, chán ghét cán bộ.
Hai là, dựa vào quần chúng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng, của Nhà nước”(6). Trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ “Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối”(7) và phải biết dựa vào quần chúng để xây dựng kế hoạch cho sát, cho đúng, đồng thời biết dựa vào quần chúng, biết tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh của quần chúng để thực hiện thắng lợi kế hoạch. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ phải thành tâm học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng. “Muốn cho dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ dân chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình”(8) và “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”(9).
Ba là, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu trong công tác cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Để dân biết, dân tin, dân làm theo, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động. Gương mẫu là biểu hiện không thể thiếu, là yếu tố tạo nên niềm tin của quần chúng, tạo nên sự bền vững của mối quan hệ cán bộ - nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước”. Trong phong trào xây dựng đời sống mới, xây dựng xã hội mới, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nghiêm túc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa xỉ. Có như thế người cán bộ cách mạng mới được dân mến, dân tin, dân phục, mới có thể công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Có người cho rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì phải làm việc cho giỏi…”(10).
Hơn 80 năm xây dựng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn dành sự quan tâm lớn đối với công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Đảng đã đào tạo được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân, vì nước, chiến đấu, hy sinh vì hạnh phúc nhân dân, thực sự gắn bó với quần chúng, sâu sát quần chúng, được “dân mến, dân tin, dân phục, dân yêu”. Sự trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên luôn gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của các phong trào cách mạng với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân - nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng, là bổn phận, danh dự của những người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với nhân dân. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo toàn dân hoàn thành thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
-----------------
(1), Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.273. (2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.269. (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.274. (4). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.274. (5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.213. (6). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.208. (7). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.248. (8). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.246. (9). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.248. (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.248.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng