(NTO) Sau khi chia tách tỉnh, HĐND tỉnh Ninh Thuận được phân bổ 16 đại biểu từ HĐND tỉnh Thuận Hải. Ngày 20-7-1992, cùng với kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, HĐND tỉnh Ninh Thuận được bầu bổ sung 29 đại biểu, nâng tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh lên 45 vị.Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 1989 -1994, HĐND tỉnh khóa V đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định trong điều kiện khó khăn của một tỉnh mới được tái lập… Thường trực HĐND tỉnh lúc đó chỉ có 1 đồng chí chủ tịch và 1 ủy viên thư ký hoạt động chuyên trách. Văn phòng tham mưu giúp việc là văn phòng chung của Đoàn ĐBQH & HĐND với 4 chuyên viên giúp việc; điều kiện phục vụ kỳ họp của HĐND và các hoạt động giám sát, thẩm tra của HĐND còn thiếu thốn và khó khăn…
Lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2011-2016.
Ảnh: Minh Khai
HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 1994-1999) có 45 đại biểu, trong đó có 9 đại biểu nữ. Nhiệm kỳ VII (1999-2004) có 2 đồng chí thường trực và 3 Ban HĐND có lãnh đạo Ban hoạt động chuyên trách, Văn phòng HĐND có 14 CBCC; HĐND tỉnh đã tổ chức 14 kỳ họp, ban hành 64 Nghị quyết; tổ chức 115 cuộc giám sát, thẩm tra các tờ trình, đề án của UBND theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, HĐND khóa VII đã thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội như tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đánh dấu bước phát triển tiếp nối của HĐND các khóa trước, HĐND khóa VIII (nhiệm kỳ 2004-2009) có 50 đại biểu, trong đó có 14 đại biểu nữ. Thường trực HĐND tỉnh có chức danh Ủy viên Thường trực (là nữ), 2 đồng chí hoạt động chuyên trách; Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Pháp chế có Phó ban chuyên trách, Ban Văn hóa- Xã hội có trưởng ban chuyên tràch (là nữ); Văn phòng HĐND tỉnh có 22 đồng chí.
Do nhiệm kỳ kéo dài thêm 2 năm (đến năm 2011) nên nhiều nội dung quan trọng đã được HĐND theo dõi xuyên suốt. Từ đó có những quyết định sát đúng với thực tế của địa phương. Hoạt động của HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, cải tiến; nét mới là HĐND khóa VIII đã ban hành các Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND hàng năm, qua đó tạo sự chủ động trong hoạt động của thường trực và các Ban HĐND, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong các kỳ họp của HĐND tỉnh đều mời đại diện cử tri của các địa phương về dự và tăng thời lượng truyền hình trực tiếp tại các phiên khai mạc, chất vấn và phiên bế mạc để cử tri trong tỉnh theo dõi. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tổ chức 25 kỳ họp, ban hành 216 Nghị quyết (trong đó có 132 nghị quyết chuyên đề), tổ chức 201 đợt giám sát và 253 đợt thẩm tra các Tờ trình, Đề án của UBND tỉnh theo quy định của pháp luật. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả cao như: Giám sát tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh, giám sát đánh giá hiệu quả đầu tư mua sắm trang- thiết bị dạy và học của ngành Giáo dục và Đào tạo, giám sát tình hình quản lý và sử dụng quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích…
Đặc biệt, với việc ban hành nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2005-2010 đến năm 2020 theo hướng phát triển kinh tế biển, ngay từ đầu nhiệm kỳ và nhiều nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, HĐND tỉnh đã đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng, góp phần tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh.
Hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của thường trực, các ban và các đại biểu HĐND được thực hiện đúng quy định của pháp luật: thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. trong nhiệm kỳ VIII, đã tổ chức 28 đợt tiếp xúc cử tri, đã giải trình, trả lời 2.062 lượt ý kiến, đạt 72%; tiếp 445 lượt công dân và nhận hơn 1.113 đơn thư khiếu nại của công dân; qua đó đã phân loại, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, từ năm 2009, được sự quan tâm đầu tư của tổ chức Oxfam (Anh), HĐND tỉnh đã tổ chức 57 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức về pháp luật, bồi dưỡng các kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND về các lĩnh vực trong phân tích và giám sát đánh giá chính sách, giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách, tiếp xúc cử tri, giao tiếp và đàm phán… cho 975 lượt đại biểu HĐND các đơn vị trong vùng dự án, qua đó góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu và của HĐND các đơn vị trong vùng dự án…
Kết quả hoạt động của HĐND tỉnh trong 20 năm thể hiện sự nỗ lực rất lớn của một tỉnh mới được tái lập, có điểm xuất phát thấp; HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đã có những quyết định sát đúng về các vấn đề quan trọng ở địa phương với các nhóm giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xuất phát từ lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân địa phương…
Thiên Thanh