Tham dự cuộc họp có Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương trong khu vực. Triển Lãm - Hội chợ sẽ diễn ra tại Thành phố Cần Thơ từ ngày 27/4 đến 1/5 với nhiều hoạt động trên quy mô lớn. Phần lớn kinh phí tổ chức các sự kiện này được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị cho “Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm
xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long” - Ảnh Chinhphu.vn
Theo Báo cáo của Ban tổ chức, dự kiến đến ngày 20/4 sẽ hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng phục vụ Triển lãm - Hội chợ. Tính đến nay, đã có trên 300 đơn vị đăng ký tham gia, với số lượng trên 900 gian hàng. Dự kiến từ nay đến ngày diễn ra, Ban Tổ chức dự kiến sẽ thu hút được thêm khoảng hơn 100 gian hàng tham gia.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL; Hội nghị giữa các địa phương với trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Hội thảo về liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL; Hội thảo phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL; Hội thảo tham vấn định hướng phát triển ĐBSCL cũng đã được hoàn tất.
Về công tác xúc tiến đầu tư, huy động an sinh xã hội, Ban tổ chức đã tập hợp được 124 danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của các địa phương với số vốn trên 113 ngàn tỷ đồng và trên 725 triệu USD để giới thiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu đầu tư.
Năm 2012, kế hoạch huy động tổng lực trên 7.000 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trên toàn vùng. Đến nay, riêng các doanh nghiệp và ngân hàng đã đăng ký thực hiện khoảng 760 tỷ đồng cho các công tác an sinh xã hội.
Các hoạt động bên lề như Hội thi trò chơi dân gian, Hội thi Nhiếp ảnh nghệ thuật về thành tựu 10 năm Tây Nam Bộ, Hội thi nấu ăn Món ngon Nam bộ, Hội thi Ảnh đẹp ĐBSCL và viết cảm nhận về đất và người ĐBSCL... đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị.
Ban Tổ chức cũng đã hoàn thành kịch bản, xây dựng và luyện tập các tiết mục trong lễ khai mạc gắn với kỷ niệm 30/4, lễ bế mạc và 4 chương trình nghệ thuật diễn ra trong suốt thời gian Triển lãm - Hội chợ. Những chương trình nghệ thuật được xây dựng nhằm thể hiện đậm nét những đặc trưng văn hóa vùng ĐBSCL bao gồm Chương trình Nghệ thuật “Tây Nam Bộ- Thành tựu và liên kết phát triển”; Giao lưu nghệ thuật dân tộc “Tôn vinh văn hóa nghệ thuật các dân tộc ở ĐBSCL”; Chung kết cuộc thi “Hoa khôi đồng bằng”; Chương trình nghệ thuật “Lịch sử, văn hóa và con người miền Tây”.
Tổ chức chu đáo, an toàn tuyệt đối
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Triển lãm - Hội chợ là nhằm khẳng định thành tựu 10 năm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.
“Mỗi hoạt động phải nhằm khẳng định và nêu bật thành tựu, xác định khó khăn tồn tại, trên cơ sở đó giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, có những giải pháp căn cơ để huy động nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững hơn, phát huy lợi thế riêng của vùng về nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định tinh thần chung là tổ chức chu đáo, an toàn tuyệt đối.
“Các công tác chuẩn bị cho sự kiện phải thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Từng tỉnh, từng Bộ, từng cơ quan được giao chuẩn bị phải thực hiện thật chu đáo, thiết thực. Các Hội thảo, các cuộc xúc tiến đầu tư có những sản phẩm, giải pháp cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnḥ.
Phó Thủ tướng đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với các địa phương tích cực tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân trong vùng, để người dân thấy được ý nghĩa quan trọng của sự kiện, tạo sự tin tưởng, vui tươi và khí thế để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nguồn www.chinhphu.vn