Phó chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, ông Nguyễn Kim Long cho biết: Xã có khoảng 303 ha rừng phòng hộ ven biển, chủ yếu trồng phi lao, trong đó đã giao 72,4 ha cho 130 hộ dân; diện tích còn lại do UBND xã quản lý. Việc chặt phá rừng phòng hộ đã xảy ra nhiều năm nay, người dân lợi dụng lúc mờ sáng hoặc giữa trưa, thậm chí ban đêm, để vào rừng chặt cây. Không chỉ rừng của xã quản lý bị phá mà những diện tích rừng đã giao cho hộ dân cũng bị chặt…”.
Qua kiểm tra ban đầu có 48 trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 41.000 mét vuông. Hàng nghìn cây phi lao có đường kính từ 10 đến 20 cm bị chặt phá để làm cọc be bờ hồ tôm. Trong 48 trường hợp vi phạm, có một số là cán bộ, đảng viên và người nhà của cán bộ, đảng viên. Bước đầu, Đảng ủy và UBND xã An Ninh Đông đã kiểm điểm đối với ba cán bộ xã do lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm; yêu cầu tháo dỡ và khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu trong quý I này. UBND xã An Ninh Đông cũng đã thành lập tổ kiểm tra nhằm chấn chỉnh việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm.
* Cà Mau: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên gần 42.000 ha, trong đó khoảng 12.2 00 ha đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức hàng chục ngàn lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ chặt phá cây rừng trái phép.
Hiện tại, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 7 trạm kiểm lâm quản lý chiều dài có rừng khoảng 60 km. Do có rất nhiều cửa rừng thông ra biển, cộng với thủ đọan chặt phá và vận chuyển cây rừng ngày một tinh vi, nên lực lượng kiểm lâm khó tuần tra, kiểm soát trên diện tích rừng rộng lớn hàng chục ngàn ha. Ông Nguyễn Xuân Lữ, Phó trạm Kiểm lâm Cái Đôi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: Lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn vùng sông nước rộng lớn, thiếu phương tiện, kinh phí… là những khó khăn lớn đối với cán bộ làm công tác bảo vệ rừng, bảo tồn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Dù vậy, 30 cán bộ kiểm lâm ở đây luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng quốc gia.
Hàng năm, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau xảy ra nhiều vụ chặt phá cây rừng trái phép. Các lò hầm than trái phép mọc lên như nấm, như thách thức với lực lượng kiểm lâm. Có đến vài trăm hộ dân sống ven rừng phòng hộ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, phần lớn đều có cuộc sống khó khăn nên lén lút chặt phá cây rừng để hầm than. Ông Huỳnh Thanh Xinh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm - Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, bởi rừng do Vườn Quốc gia quản lý, còn dân do xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển quản lý về mặt hành chính.
Tỉnh Cà Mau đang xây dựng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thành điểm tham quan du lịch, gắn với phát triển cuộc sống dân sinh bằng các dự án, chương trình du lịch sinh thái, hoặc thực hiện mô hình giao đất giao rừng nuôi thủy sản. Đây là một trong những giải pháp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, hạn chế nạn chặt phá cây rừng trái phép diễn ra phức tạp ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
* Khánh Hòa: Kể từ năm 2012, Viện Hải dương học Nha Trang sẽ là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài khoa học, triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều (thuộc địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh).
Với thời gian thực hiện trong hai năm (2012- 2013) và mức đầu tư 700 triệu đồng, trong đó 80% là kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh Khánh Hòa, đề tài này đặt mục tiêu phục hồi thành công rừng ngập mặn; đưa vào quản lý có hiệu quả rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều; phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, có sự tham gia của doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng địa phương.
Theo đó, diện tích rừng ngập mặn được phục hồi và quản lý gồm 3 vùng (1- 2ha/vùng), chú trọng sự đa dạng loài phục hồi; bên cạnh đó 30 ha thảm cỏ biển được tổ chức quản lý có hiệu quả. Qua việc triển khai thực tế, Viện HDHNT sẽ đề ra các giải pháp mở rộng việc phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển trên địa bàn Khánh Hòa.
Đầm Thủy Triều có diện tích mặt nước khoảng 2.000 ha, thể hiện những nét đặc trưng về một hệ sinh thái của vùng đất ngập nước ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, trong thời gian dài, nạn đào ao đìa nuôi trồng hải sản, các hoạt động công nghiệp xả thải, đánh bắt hải sản quá mức... đã làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn và gây nên nạn ô nhiễm môi trường trong đầm. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, diện tích rừng ngập mặn tại đây chỉ còn chưa đến 15 ha.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam