Thông qua sự giới thiệu từ thành phố, chúng tôi đến gặp ngư dân Lê Đình Thuận, khu phố 11, phường Đông Hải, là hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Dự án 2 để vươn lên thoát nghèo. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Thuận phấn khởi chia sẻ về những đổi thay của gia đình từ ngày thụ hưởng chính sách này. Trước đây, gia đình anh có một ghe nhỏ để đánh bắt thủy hải sản, nhưng do ngư cụ thiếu thốn nên mỗi lần ra khơi sản lượng thu về không đáng kể. Chưa kể, con đông lại đang tuổi ăn, tuổi lớn nên cuộc sống khá chật vật, túng thiếu. Năm 2023, qua rà soát và nắm bắt tình hình, hoàn cảnh gia đình, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Dự án 2 để mua ngư cụ đánh bắt. Nhờ vậy, sản lượng sau mỗi chuyến ra khơi tăng lên gấp 2-3 lần so với trước, trung bình thu được 500.000-600.000 đồng/ngày. Anh Thuận chia sẻ: Từ số tiền hỗ trợ, tôi mua thêm 130 lưới rọ để đánh bắt hải sản. Số lưới rọ tăng lên giúp tôi thu được nhiều hải sản hơn, trong đó có nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh trang trải, chăm lo cuộc sống tốt hơn, gia đình còn tiết kiệm thêm một khoảng để ấp ủ dự định mở rộng mô hình kinh tế trong thời gian tới. Tương tự nhờ dự án hỗ trợ đã giúp chị Hồ Thị Vân, khu phố 3 thoát khỏi hộ cận nghèo trong năm 2023, có thu nhập ổn định hơn. Với số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng, chị mua thêm nhiều mặt hàng để mở rộng tạp hóa. Nhờ mặt hàng đa dạng hơn đã giúp chị kéo thêm được lượng khách cho tạp hóa. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, mô hình cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng.
Gia đình anh Lê Đình Thuận, khu phố 11, phường Đông Hải sử dụng tốt nguồn hỗ trợ từ Dự án 2 để mua lưới rọ đánh bắt hải sản.
Nhờ việc triển khai Dự án 2 đúng và trúng nhu cầu của từng đối tượng nên hầu hết các hộ dân nhận hỗ trợ trong năm 2023 tại phường Đông Hải đã thoát nghèo. Đồng chí Nguyễn Khắc Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải cho biết: Trong năm 2023 và 2024, thực hiện dự án, địa phương đã triển khai hỗ trợ cho 77 hộ, với kinh phí 1,82 tỷ đồng. Trong đó, các hộ dân phát triển các mô hình về: Kinh doanh mua bán, mua sắm ngư cụ, vật tư, thiết bị làm nghề sắt thép, xây dựng... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tư vấn, định hướng cho các hộ dân lựa chọn mô hình thoát nghèo phù hợp với năng lực, nhu cầu nên nguồn vốn của dự án được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Ngoài ra, một số người dân cũng chủ động bổ sung một số nguồn vốn nhỏ vào nguồn hỗ trợ để phát triển, nhân rộng mô hình đã phần nào cho thấy được ý chí, nghị lực thoát nghèo của người dân.
Cùng với phường Đông Hải, các địa phương khác trên địa bàn thành phố đã tập trung triển khai tốt Dự án 2, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế từng nơi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thành phố xuống còn 0,58%. Riêng trong năm 2024, thành phố đã giải ngân được hơn 3,6 tỷ đồng từ Dự án 2 để hỗ trợ 148 hộ thực hiện các mô hình giảm nghèo như: Mô hình thu mua phế liệu; kinh doanh buôn bán; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng trọt; mua sắm các thiết bị phục vụ nghề... Trong quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên người dân duy trì và phát triển mô hình đạt hiệu quả. Vì vậy, dự án nhận được sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của các hộ dân. Theo đánh giá, sau khi nhận hỗ trợ, các hộ dân tập trung làm ăn, sản xuất, mang lại hiệu quả trong nâng thu nhập, cải thiện đời sống người nghèo.
Đồng chí Phạm Kim Vinh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Nguồn hỗ trợ từ Dự án 2 không chỉ góp phần tạo sinh kế mà còn tạo tiền đề quan trọng để người dân mở rộng, phát triển mô hình sản xuất, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất, kinh doanh, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố và UBND các phường, xã theo sát việc thực hiện dự án của các hộ dân, tổ chức kiểm tra, giám sát các phường, xã trong quá trình thực hiện, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ người dân các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Lê Thi