Đào tạo nghề giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững

Xác định công tác đào tạo nghề là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4. Từ đó, giúp người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên ổn định cuộc sống.

 Đúng 6 giờ 30 phút, lớp nghiệp vụ pha chế tại UBND phường Phước Mỹ lại háo hức rộn ràng bởi 21 học viên là các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thuộc phường Bảo An và Phước Mỹ đến dự. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được học pha chế khoảng 60 loại đồ uống khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao liên quan đến trà, trái cây, cà phê... Lớp học chủ yếu thực hành, giúp học viên nhanh chóng làm quen với các kỹ năng pha chế, mở ra cơ hội tiếp cận công việc và thu nhập ổn định. Tham gia lớp học, em Nguyễn Lê Ngọc Hoa, khu phố 1, phường Bảo An chia sẻ: Lớp học được mở ngay tại phường khá thuận tiện nên em sắp xếp công việc để tham gia học đầy đủ. Dù lớp học miễn phí nhưng em được cô giáo chỉ dạy rất nhiệt tình, cặn kẽ. Với kiến thức học được, em dự định sẽ mở lớp dạy pha chế cho mọi người có nhu cầu hoặc mở quán nước nhỏ kiếm thêm thu nhập.

Các học viên tham gia lớp học nghiệp vụ pha chế tại UBND phường Phước Mỹ.

Không chỉ dự định của em Hoa, mà thông qua các lớp học nghề đã có nhiều học viên biến ước mơ thành hiện thực. Chị Trần Thị Ngọc Trân, hộ nghèo, khu phố 6, phường Đông Hải chia sẻ: Tôi tham gia lớp nghiệp vụ pha chế năm 2023 do địa phương tổ chức miễn phí. Nhờ những kiến thức được học, tôi có thể tự tin mở quán bán cà phê, pha chế nhiều loại thức uống kiếm thêm thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách rất nhân văn, giúp người nghèo chúng tôi có thêm sinh kế để ổn định cuộc sống.

Các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, hướng đầu tư cho con người, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề - với tư cách là “chiếc cần câu” thiết yếu. Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4, ngay từ đầu năm, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chỉ đạo UBND các phường, xã tích cực triển khai, vận động học viên thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia lớp học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Căn cứ nhu cầu đăng ký và tình hình thực tế của người dân tại các xã, phường trên địa bàn, năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang - Tháp Chàm xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị tổ chức 16 lớp đào tạo nghề thu hút 422 học viên. Trong đó bao gồm 9 lớp nghiệp vụ bếp, 6 lớp nghiệp vụ pha chế, 1 lớp kỹ thuật trang điểm, cắt tóc, đến nay đã bế giảng 12 lớp với 330 học viên.

Anh Phạm Kim Vinh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Đào tạo nghề không chỉ giúp người lao động có việc làm mà còn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong thời gian học, học viên được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định, khi kết thúc khóa học được đơn vị đào tạo cấp chứng chỉ, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người lao động có thể xin vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ theo ngành nghề được đào tạo. Đến nay, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo, phần lớn các học viên đều phát huy được các nghề đã được học, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc tổ chức các lớp dạy nghề, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động khác, như: Tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm... để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp, có thu nhập ổn định.

Việc trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết, giúp người dân không còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, phát huy nội lực tích cực tăng gia sản xuất, lao động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Với những giải pháp căn cơ trong công tác đào tạo nghề, tin rằng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sẽ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo một cách bền vững, từng bước khẳng định vị thế đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.