Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển

Trong những năm gần đây, Ninh Thuận đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút đầu tư. Nhờ vào việc xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn thiện các khu công nghiệp, cùng với chính sách ưu đãi hấp dẫn, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.

 Một trong những công trình trọng điểm của tỉnh vừa được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay đó là Dự án môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn trên 2.253 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 1.599,5 tỷ đồng, vốn đối ứng 653,499 tỷ đồng. Với nhiều hạng mục quan trọng như nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng giao thông đã giúp giảm tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, tạo diện mạo thành phố sạch, đẹp.

Cơ sở hạ tầng Hồ điều hòa thuộc Dự án môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đưa vào hoạt động hiệu quả tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Văn Nỷ

Trong năm 2024, mặc dù không có công trình khởi công mới, nhưng toàn tỉnh có 23 công trình được triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư lên đến trên 2.050 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm sẽ có 11 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và hạ tầng của tỉnh. Số công trình thi công hoàn thành theo mục tiêu được phê duyệt, sẽ phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo năng lực mới tăng thêm; trong đó hoàn thành 15km đường, cải tạo 14,35km kênh; xây dựng hồ điều hòa 22,69ha; xây dựng 33km tuyến cống chống ngập; 8 trạm bơm nước thải; nâng công suất nhà máy xử lý nước thải 2.500m3/ngày, xây khu tái định cư 300 lô đất; hoàn thành 2 trung tâm y tế... góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, có 12 công trình chuyển tiếp sang năm 2024 đang triển khai thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo quyết định phê duyệt.

Không chỉ đầu tư công, Ninh Thuận đã thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch đến nông nghiệp, thủy sản và năng lượng tái tạo. Trong đó, năng lượng tái tạo đang là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến 125.015 tỷ đồng. Để thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, nhiều dự án lớn đã được cấp phép và triển khai, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Kênh Chà Là thuộc Dự án môi trường bền vững - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tính đến ngày 31/10/2024, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 56 dự án, trong đó quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 8 dự án với tổng nguồn vốn 24.077 tỷ đồng; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư) cho 5 dự án và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 43 dự án với tổng vốn tăng thêm 17.808 tỷ đồng. Trong số những dự án được quyết định chủ trương trong năm 2024 có những dự án có quy mô lớn. Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 472 dự án với tổng vốn đăng ký 238.126 tỷ đồng. Đã có 346 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, chiếm 73,3% tổng số dự án, 78 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt chiếm 16,5% tổng số dự án, còn lại 48 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị mới Phủ Hà. Ảnh: Anh Tuấn

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh sau khi được cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai xây dựng, đưa dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng tiến độ. Một số dự án có tiến độ thực hiện chậm, gặp khó khăn, tỉnh đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án... Bên cạnh những thành công đã đạt được, Ninh Thuận cũng phải đối mặt với một số khó khăn như: Biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, sự ảnh hưởng do biến động giá cả nguyên vật liệu, hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, du lịch, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao.

Với những nỗ lực không ngừng, Ninh Thuận đang trên đà trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Việc thu hút đầu tư hiệu quả sẽ không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.