Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 4546/UBND-KTTH về Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.

 Trước tình hình bệnh DTLCP hiện nay trên cả nước nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng diễn biến rất phức tạp, khó lường; bên cạnh đó, thời tiết trên địa bàn tỉnh thay đổi, đang chuyển sang mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, là điều kiện tốt cho các mầm bệnh phát sinh và gây bệnh cho gia súc, gia cầm có sức đề kháng suy giảm và hàng ngày vẫn có xe chở lợn quá cảnh qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cũng như các tỉnh lân cận Ninh Thuận đã ghi nhận các ổ DTLCP (Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai...)… nên nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh là rất cao. Đây là thời điểm rất quan trọng, nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh có thể lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, phát triển chăn nuôi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và môi trường. Để tăng cường, chủ động phòng, chống bệnh DTLCP, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản: Số 3119/KH-UBND ngày 01/9/2020, số 2917/UBND-KTTH ngày 30/6/2024, số 3344/UBND-KTTH ngày 24/7/2024, số 4065/UBND-KTTH ngày 05/9/2024, số 4454/UBND-KTTH ngày 26/9/2024 với phương châm “phòng là chính”, trường hợp khi xảy ra ổ dịch thì chống dịch phải quyết liệt, xử lý kịp thời, dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Thú y tiêu tập trung vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại xã Bắc Sơn.

Giao UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với lực lượng thú y tập trung rà soát, nắm bắt thông tin, số lượng chính xác các cơ sở chăn nuôi (hộ chăn nuôi, trang trại, công ty) và quy mô đàn lợn trên địa bàn quản lý để tăng cường tuyên truyền đến từng cơ sở chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, diễn biến dịch bệnh, nguy cơ lây lan và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP để chủ cơ sở chăn nuôi biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở chăn nuôi cam kết không giấu dịch, phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện đàn lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh (có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều) và khuyến cáo các chủ cơ cơ sở chăn nuôi chỉ tổ chức tái đàn khi hết dịch bệnh và đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định về phòng, chống bệnh DTLCP. Chỉ đạo các lượng lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” đợt 2/2024 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 4065/UBND-KTTH ngày 05/9/2024, nhất là tại các vùng trọng điểm nơi có mật độ chăn nuôi cao, vùng nguy cơ cao, vùng đã từng xảy ra dịch, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2/2024 đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vận động người dân thực hiện “5 không” với bệnh DTLCP: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng địa phương để triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định; trường hợp nguồn kinh phí dự phòng địa phương đã sử dụng hết thì chủ động đề xuất gửi Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

* Riêng đối với các địa phương có dịch: Ngoài việc triển khai các biện pháp nêu trên, UBND các huyện: Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái cần tập trung chỉ đạo UBND các xã: Nhơn Sơn, Bắc Sơn, Phước Tiến cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp chống bệnh DTLCP; trong đó tập trung rà soát, triển khai ngay phương án khoanh vùng dịch, cách ly, dập dịch dứt điểm, không để lây lan dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh và truy vết các ổ dịch theo quy định. Chỉ đạo thành lập chốt kiểm soát, trực 24/24 bên ngoài vùng dịch để kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa ngõ ra vào vùng dịch, nghiêm cấm giết mổ, tái đàn và vận chuyển lợn ra vào vùng dịch. Đồng thời tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo; vùng đệm (các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp) với tần suất 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch và thường xuyên theo dõi hố tiêu hủy động vật để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, phải căng dây, treo bảng cảnh báo tại các cơ sở chăn nuôi bị nhiễm bệnh DTLCP.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường giám sát, khẩn trương đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh DTLCP, nhất là tại những nơi đã từng xảy ra dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các phương án xử lý thích hợp để ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng từ nguồn Dự trữ quốc gia.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường lực lượng thú ý để bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để khi ổ dịch mới được phát hiện, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm vi rút DTLCP và chẩn đoán phân biệt đối với: đàn lợn nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh DTLCP; đàn lợn nghi có tiếp xúc với đàn lợn mắc bệnh DTLCP; lợn chết không rõ nguyên nhân điều tra xác định nguyên nhân nếu nghi đàn lợn bị bệnh DTLCP. Chỉ đạo lực lượng thú ý chủ động phối hợp với lực lượng công an giao thông, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát lưu thông tại các Trạm/chốt kiểm dịch động vật, chốt giao thông trên địa bàn tỉnh (nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và Quốc lộ 27B) để kiểm tra các xe chở lợn ra vào tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kiểm dịch và vận chuyển lợn trái phép trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc tiêu độc, khử trùng, các biện pháp xử lý môi trường khi tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP. Duy trì trực đường dây nóng theo số điện thoại 02593.504660.

Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân về diễn biến tình hình dịch bệnh, về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP để nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở chăn nuôi biết, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP; giám sát, phát hiện và tố giác các trường hợp giấu dịch, bán chạy lợn nhiễm dịch bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được quy định chỉ đạo các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú ý chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông đối với các xe chở lợn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kiểm dịch và vận chuyển lợn trái phép trên địa bàn tỉnh.

Các Công ty TNHH XD-TM và SX Nam Thành Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong quá trình hoạt động phát hiện xác lợn vứt bỏ thì phải báo ngay cho UBND cấp xã tại địa bàn hoặc cơ quan thú y để kịp thời phối hợp truy xuất nguồn gốc và tiêu hủy theo quy định.