Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 15/5/2019 để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với phân công, phân nhiệm rõ ràng, xác định cụ thể lộ trình, tiến độ, mốc hoàn thành từng nội dung công việc và tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về huy động nguồn lực cho nền kinh tế, trọng tâm khai thác hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực cho công cuộc phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2023 đạt 39,7% (mục tiêu đến năm 2025 dưới 42%), trong tổng số lao động toàn tỉnh. Công tác dạy nghề được quan tâm, trong giai đoạn 2019-2023 đã đào tạo nghề cho 47,3 nghìn lao động, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng ở địa phương, nhất là các ngành kinh tế trọng điểm.
Kè biển phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được đầu tư xây dựng, góp phần ổn định đời sống dân sinh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đối với nguồn vật lực, công tác lãnh đạo, quản lý, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh trong thời gian đã có nhiều chuyển biến tích cực; thực hiện tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Chủ trương huy động các nguồn lực để đầu tư, tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được chỉ đạo triển khai; tập trung thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực nhà nước và tư nhân để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các công trình thiết yếu, trọng điểm. Đến nay, kết cấu hạ tầng KT-XH trọng điểm được tập trung đầu tư; ưu tiên các nguồn lực đầu tư các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, bảo đảm giao thông thông suốt, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế của tỉnh; trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng kết nối giữa hai hành lang Quốc lộ 1 và tuyến đường ven biển (đường Văn Lâm - Sơn Hải; đường vành đai phía Bắc), đường nối cao tốc với Quốc lộ 1, cảng tổng hợp Cà Ná, đường liên vùng từ Tân Sơn đi Đức Trọng (Lâm Đồng) và các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27B, đường cao tốc, đường liên huyện. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu với quy mô 23 hồ chứa nước có tổng dung tích thiết kế là 417,7 triệu m3 nước, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, chủ động tưới 62,38% diện tích sản xuất nông nghiệp và phục vụ các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, trong đó có hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là hệ thống thủy lợi tiên tiến, hiện đại nhất Việt Nam, với hồ chứa nước Sông Cái có dung tích toàn bộ là 219,8 triệu m3, chiếm hơn 50% tổng dung tích hồ chứa toàn tỉnh và đập hạ lưu Sông Dinh thực hiện công năng ngăn mặn, tạo thành hồ chứa nước ngọt có dung tích khoảng 3,5 triệu m3 nước để cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân hai bên bờ Sông Dinh, góp phần cải thiện khí hậu khu vực, kết nối giao thông Tp. Phan Rang - Tháp Chàm với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Hạ tầng cấp thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng giáo dục, y tế được tăng cường đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Hồ Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bác Ái). Ảnh: T.D
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; công tác cải cách hành chính về thuế có chuyển biến; tổ chức bộ máy được quan tâm sắp xếp, kiện toàn; trách nhiệm của người đứng đầu và tính chủ động của các cấp, các ngành được nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm; năm 2023 thu 3.964 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2018. Thu ngân sách từ đất đai trong những năm gần đây được quan tâm chỉ đạo, đạt chỉ tiêu đề ra góp phần đảm bảo chi đầu tư phát triển trên địa bàn, năm 2023 thu đạt 474 tỷ đồng, chiếm 12% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế của tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. KT-XH duy trì ổn định và tăng trưởng khá; GRDP bình quân giai đoạn 2019-2023 tăng 10,45%/năm; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 gấp 2,05 lần so năm 2018; GRDP bình quân đầu người đạt 87,7 triệu đồng/người, tăng gấp 2,01 lần so năm 2018, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và bằng 81,2% bình quân cả nước. Đây là kết quả quan trọng góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Xuân Bính