Việt Nam gắn chính sách dân số với quyền cơ bản của con người

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.

 Trong những năm qua công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, mọi chính sách dân số ở nước ta đều đặt các quyền cơ bản của con người vào vị trí trung tâm.

Vào năm 2023 dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu và là quốc gia thứ 15 trên thế giới có dân số hơn 100 triệu người.

Cách đây 7 năm, nước ta đã chuyển từ chính sách “kế hoạch hóa gia đình" sang “dân số và phát triển”, tức đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Mục tiêu là đến năm 2030 số nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân của người Việt sẽ đạt 75 tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Tới năm 2030, chiều cao của nam giới 18 tuổi sẽ đạt 168,5 cm, nữ - 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Mục tiêu của Chương trình là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm: Nâng cao sức khỏe; Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh; Chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật.

Nét ngây thơ và nụ cười trong sáng của những trẻ em vùng cao. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trên thực tế, chính sách dân số của nước ta đã đạt được những kết quả đáng tự hào ngay cả trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và phục hồi, xây dựng kinh tế sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất.

Vào năm 1960 tuổi thọ bình quân của thế giới là 48, của người Việt Nam là 40. Nếu dựa theo mức tăng tuổi thọ bình quân là 0,1 tuổi/năm thì chúng ta cần 80 năm để đuổi kịp tuổi thọ bình quân của thế giới. Song, đến năm 2019, tuổi thọ bình quân của người Việt đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi (72 tuổi).

Theo kết quả các cuộc tổng điều tra dân số của Việt Nam từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của người Việt liên tục tăng, từ 65,2 lên 73,7 vào cuối năm 2023. Về tuổi thọ của người dân, nước ta đứng thứ tư ở Đông Nam Á (tuổi thọ 66 là mức thấp nhất ở khu vực), vượt mức chung của thế giới (73,4 tuổi).

Chiều cao của người Việt cũng có bước cải thiện đáng ghi nhận. Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 – 2020 cho thấy: nhóm thanh niên nam 18 tuổi vào năm 2020 đạt chiều cao trung bình 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010 là 164,4cm), nữ vào năm 2020 đạt chiều cao trung bình 156,2cm (năm 2010 chỉ ở mức 154,8cm).

Việt Nam cải thiện chất lượng dân số nhờ các chính sách về quyền con người theo cách nhân văn và thiết thực như ưu tiên hỗ trợ người có thu nhập thấp, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người già và trẻ em…

Theo Bộ Y tế, mức tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam năm 2023 là 18,9‰, trong 5 năm qua trung bình mỗi năm giảm 0,22‰.

Để tăng cường chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, ngày 26/6/2024, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 05/CT- BYT. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các Sở Y tế địa phương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị với nội dung: Tăng cường bố trí ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để tập trung thực hiện các giải pháp can thiệp, các chỉ tiêu giảm tử vong trẻ em; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên ngành sản, nhi nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu cho người mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ; tăng cường triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em…

Tháng 7/2924, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2024/NĐ-CP, nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ ngày 1/7/2024, với mức cao nhất lên tới 1.500.000 đồng. Các đối tượng được áp dụng theo Nghị định này là người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc cho biết, ở thời điểm hiện tại nước ta có 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Chương trình định canh định cư, Chương trình 134, 135, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a... Trong năm 2023 số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2% so với năm 2022.

Những chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước được thực hiện tốt nên đời sống của các hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. Kinh phí để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 là hơn 20.000 tỷ đồng.

Vào năm 1993 hộ nghèo ở Việt Nam ở mức 58,1%, đến năm 2015 còn 9,88% và đến năm 2023 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93%. Việt Nam đã trở thành một trong các hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo.

Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.

Như vậy, trong những năm qua Việt Nam đã áp dụng việc bảo vệ nhân quyền một cách thiết thực theo hướng đặt các quyền cơ bản của con người vào vị trí trung tâm của các chính sách dân số.

Tại đầu cầu chính ở Hà Nội trong Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã tuyên bố: “Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”.

Đó cũng là điều người dân Việt Nam thấy gần gũi, thiết thực, đáng quan tâm nhất trong số các quyền của con người hiện nay.

Theo baotintuc.vn