Đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (XTĐT,TM&DL) tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, tỉnh có 12 đề án được phê duyệt và triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến mới, hiện đại trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm sau chế biến, qua đó giúp các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, mang lại hiệu quả cao và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Với sự hỗ trợ của các chương trình, đề án khuyến công đến nay, số cơ sở, DN sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tăng trưởng cả về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ tổ chức quản lý và tay nghề của người lao động. Đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế CNNT tại các địa phương theo hướng bền vững. Việc tổ chức thực hiện các đề án khuyến công luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT, tạo cho người dân có những nhìn nhận mới về sự hỗ trợ của Nhà nước trong khuyến khích phát triển CNNT và xây dựng nông thôn mới.
Máy bồi giấy bán tự động của Công ty Cổ phần In Ninh Thuận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia giúp tăng năng suất.
Theo đó, kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) năm 2023 giao 2 đề án, với kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng, trong đó, đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ 1,1 tỷ đồng. Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng cho 3 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), với kinh phí KCQG hỗ trợ 300 triệu đồng, hỗ trợ ứng dụng 1 máy sấy lạnh táo. Sau khi đầu tư sử dụng máy sấy lạnh mới, năng suất tăng, thu hút và tạo việc làm 14 cho lao động địa phương, doanh thu đạt 6 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận, cho biết: Nguồn vốn khuyến công thực sự là trợ lực quan trọng, giúp chúng tôi có thêm điều kiện, đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Từ đó, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Từ nguồn kinh phí KCQG hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Cổ phần In Ninh Thuận được hỗ trợ ứng dụng 1 máy bồi giấy bán tự động và 1 máy dán giấy bán tự động, qua đó hệ thống máy mới đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, nhanh gấp 10 lần, độ chính xác cao, chất lượng được đảm bảo và có tính thẩm mỹ cao, cải thiện được chi phí nhân công. Chỉ tính doanh thu năm 2023 đạt 20 tỷ đồng, tăng 20 % so với cùng kỳ.
Ngoài hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Trung tâm XTĐT,TM&DL tỉnh còn giới thiệu, kết nối các cơ sở, DN quảng bá sản phẩm trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu trong và ngoài nước; tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội cho các cơ sở, DN giao lưu học hỏi, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tạo hướng đi lâu dài cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: Đa số các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, nguồn vốn còn hạn hẹp, máy móc thiết bị lạc hậu hoặc có đổi mới nhưng chưa đồng bộ, thị trường tiêu thụ chưa chủ động được,... Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho công tác khuyến công hằng năm còn ít so với nhu cầu...
Nhằm tiếp sức, tạo đòn bẩy để các cơ sở CNNT từng bước phát triển bền vững, trong năm 2024, Trung tâm XTĐT,TM&DL tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNNT. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã đăng ký với Cục Công Thương địa phương để trình Bộ Công Thương phê duyệt, từ nguồn kinh phí KCQG năm 2024, gồm 4 đề án, với tổng kinh phí thực hiện là 8,71 tỷ đồng, trong đó kinh phí KCQG đề nghị hỗ trợ là 4,43 tỷ đồng và kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp là 4,28 tỷ đồng. Đối với khuyến công địa phương, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 7 đề án với tổng kinh phí 630 triệu đồng. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng cơ sở, DN trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
Hồng Nguyệt