Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng “Thích ứng - Đặc thù - Bền vững”; tiếp tục duy trì, nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả gắn áp dụng khoa học, công nghệ, nên hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kết quả cao.

Từ đầu năm tới nay, mặc dù nắng hạn diễn ra gay gắt, nhưng nhờ sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kế hoạch sản xuất vụ hè - thu năm 2024 cơ bản triển khai đảm bảo diện tích, thời vụ. Toàn tỉnh gieo trồng trên 14.525ha; trong đó, lúa 7.120ha, còn lại là một số cây trồng khác, thực hiện chuyển đổi cây trồng 213,8ha, đạt 36% kế hoạch. Để đảm bảo thích ứng với điều kiện khô hạn, ngành NN chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1655/KH-UBND ngày 16/4/2024 ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, tập trung phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp theo từng vùng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, nhân rộng các mô hình cây trồng cạn, tổ chức điều tiết nước hợp lý, đảm bảo lượng nước được tưới xuyên suốt mùa vụ. Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Nhờ tổ chức xuống giống đồng loạt, tăng tỷ lệ cơ giới hóa; công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát, đến nay hầu hết cây trồng vụ hè - thu đều sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nắng nóng.

Trồng nho áp dụng hệ thống nhà màng và tưới tiết kiệm của nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn)
mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển NN ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tiếp tục được các ngành, địa phương quán triệt sâu rộng, nhiều giải pháp hỗ trợ được ban hành, thu hút một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân, hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh thu hút đầu tư NN công nghệ cao thêm 259,67ha, vượt 39,67 ha so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm; đồng thời, cấp thêm 7 mã số vùng trồng/36,57ha, nâng lũy kế toàn tỉnh hiện có 37 mã số vùng trồng/321,204ha và mở rộng thêm 3 chuỗi liên kết, nâng tổng số lên 70 liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, với các loại cây trồng đặc thù như: Nho, táo, măng tây xanh, chanh không hạt, rau các loại.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng dần chuyển đổi từ truyền thống sang hình thức nuôi trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp. Tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển gia súc, gia cầm như các huyện: Ninh Phước, Thuận Bắc, Bác Ái, công tác quy hoạch vùng nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ, định hướng chăn nuôi theo nhu cầu tiêu thụ thị trường được quan tâm, chú trọng. Hoạt động liên kết chăn nuôi ứng dụng quy trình an toàn sinh học, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm ngày càng đi vào chiều sâu. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng trong 6 tháng ước đạt 23.990 tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ và khoảng 35,9 triệu quả trứng gia cầm được tiêu thụ ra thị trường.

Đáng ghi nhận hơn trong khai thác thủy sản, ngay từ đầu bước vào vụ cá Nam, Chi cục Thủy sản tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm chắc tình hình diễn biến ngư trường, giúp ngư dân có kế hoạch, phương án đánh bắt hiệu quả. Ông Trần Công Thắng, chủ tàu cá ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, đàn cá nục, cá cơm xuất hiện nhiều, các tàu cá tại địa phương hầu hết đều ra khơi; đặc biệt, với sự đồng hành, hỗ trợ của cán bộ thủy sản, trong mỗi chuyến biển khai thác đều đem lại sản lượng cao, giá cả thủy sản ổn định, tạo sự phấn khởi cho ngư dân. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 95% tàu cá tham gia khai thác, uớc sản lượng đánh bắt đạt 58.097,4 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ. Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng đạt kết quả tích cực, với số lượng ước đạt 5.012,6 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 20.232 triệu con, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng
công nghệ cao tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: H.Lâm

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Từ những giải pháp đồng bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, 6 tháng đầu năm 2024, giá trị gia tăng của toàn ngành ước đạt 3.324 tỷ đồng tăng 4,71% so cùng kỳ và vượt kịch bản tăng trưởng 0,43%; trong đó, nông, lâm nghiệp đạt 1.422,614 tỷ đồng, tăng 5,29%; thủy sản đạt 1.901,39 tỷ đồng, tăng 4,28% so cùng kỳ. Cùng với đó, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý, bảo vệ rừng, cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng có sự chuyển biến nhất định.

Trên cơ sở dự báo những khó khăn và thuận lợi, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng từ 4-5% cho cả năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu, ngành NN tiếp tục triển khai chủ trương phát triển NN ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại ngành NN thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu. Tổ chức khai thác hiệu quả vụ cá Nam và vụ cá bấc gắn với thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác bất hợp pháp; quy hoạch vùng nuôi biển đảm bảo hài hòa, ổn định. Chú trọng hỗ trợ các địa phương rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững dưới tán rừng.