Huyện Ninh Sơn có 7 xã và 1 thị trấn với 61 thôn, khu phố, dân số toàn huyện trên 23.400 hộ. Nhằm nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ đã quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; hằng năm ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho vay. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đảm bảo các nội dung nhận ủy thác, tổ chức bình xét cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi... đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn giải ngân vốn vay cho người dân
tại điểm giao dịch xã Lâm Sơn.
Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn, cho biết: Trước đây, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn rất thấp và không đồng đều giữa các xã, nợ quá hạn cao; ý thức chấp hành nghĩa vụ vay, trả của người dân thấp. Qua thời gian triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, hoạt động tín dụng CSXH có sự chuyển biến rõ rệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, tổng dư nợ tại địa phương đạt trên 616 tỷ đồng, với hơn 12 nghìn hộ vay, bình quân dư nợ 50,3 triệu đồng/hộ, tăng 31,7 triệu đồng so năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82,1%/tổng vốn vay; dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 110 tỷ đồng, chiếm 17,9%/tổng vốn vay.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, công tác lồng ghép chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật luôn được duy trì thường xuyên. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp cho các hộ dân sau khi được vay vốn, nhằm trang bị kiến thức và kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Khanh, Trưởng khu phố 7, thị trấn Tân Sơn, chia sẻ: Để hạn chế việc sử dụng vốn sai mục đích, các thành viên trong khu phố cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, định hướng hộ vay đầu tư làm ăn kinh tế phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, nhờ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Từ những giải pháp đồng bộ, cụ thể, sát với thực tế địa bàn, hoạt động tín dụng CSXH ngày càng ổn định và không ngừng phát triển. Vốn tín dụng đã giúp hơn 7,7 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,4 nghìn lao động; tạo điều kiện cho 1,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 12,5 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo huyện Ninh Sơn giảm từ 19,08% (năm 2014) xuống còn 4,32% (năm 2023) và đến nay có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay. Trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn tiếp tục duy trì ổn định các mặt hoạt động; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cho vay có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương.
Hồng Lâm