Chúng tôi đến trường vào giờ nghỉ giữa buổi sáng, cánh cổng trường luôn được khóa cẩn thận, quang cảnh, không khí bên trong thật khác với nhiều ngôi trường chúng tôi từng đến. Những lớp học không phấn trắng bảng đen, không giáo án mà chỉ có tình thương yêu và sự kiên trì của các giáo viên (GV). Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai chia sẻ: Trường hiện có 8 cán bộ, GV, nhân viên đảm nhận nuôi dạy 55 TEKT từ 4-16 tuổi. Để thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường chia thành 2 nhóm học sinh (HS) dựa trên trình độ, dạng khuyết tật gồm nhóm khiếm thính và nhóm chậm phát triển mắc các chứng down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động... gồm 6 lớp. Với nhiều dạng tật và lứa tuổi khác nhau, nên các em được học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục, vào đầu mỗi năm học, GV kiểm tra trình độ, lên kế hoạch giảng dạy, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện riêng cho từng HS. Trong các tiết dạy GV đều sử dụng những trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tiếp thu tốt hơn.
Giờ học của cô và trò lớp Thỏ trắng, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương lai.
Bài giảng của các cô không chỉ là con chữ, phép toán, mà còn những kỹ năng cơ bản như: Vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo, bỏ rác đúng chỗ... Mỗi lớp chỉ khoảng 5-10 em, nhưng đủ mọi dạng khuyết tật, lứa tuổi, diễn biến tâm lý, hành động khó lường. Do vậy có những bài học các cô không phải dạy bằng ngày, bằng tháng mà là hằng năm. Có dịp chứng kiến giờ học của lớp Nai vàng, chúng tôi mới thấy được phần nào sự vất vả của các GV nơi đây. Cô giáo Lan Vân, chủ nhiệm lớp Nai vàng chia sẻ: Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại của TEKT, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của những bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi luôn cố gắng, nỗ lực dìu dắt những phận đời không may mắn. Trong quá trình giảng dạy, tôi vừa làm cô, vừa làm mẹ, vừa phải kiên trì theo sát từng HS để đưa ra giáo án giảng dạy phù hợp. Từ đó truyền tải kiến thức hiệu quả giúp các em vừa học, vừa chơi, vừa phục hồi chức năng. Nếu dạy một lần chưa hiệu quả, phải dạy nhiều lần, thậm chí dài ngày đến khi các em hiểu hết mới thôi. Khi môi trường giáo dục tốt sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách, khơi dậy và khuyến khích năng khiếu của các em.
Bằng sự kiên trì, dần dần các em đều thích đến lớp; mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện tình cảm; nhiều em đã thuộc mặt chữ, viết được tên của mình; biết hát, biết phân biệt màu sắc và vẽ theo mẫu; biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp cha mẹ việc nhà; có nhiều em khiếm thính đã viết được đoạn văn ngắn nhờ nhìn khẩu hình miệng của cô giáo. Chia sẻ về sự tiến bộ của từng em trong quá trình học tập, cô Lan Vân phấn khởi kể em P.A đã tự sinh hoạt cá nhân, xếp đồ ngay ngắn, biết thể hiện cảm xúc của mình, tiến bộ rõ nét. Hay em T.T.Đ ngày trước thường la hét, quậy phá, nay biết vâng lời, đến lớp còn chủ động kêu gọi các em khác cùng nhặt rác, quét lớp, lau nhà. Có thể thấy mỗi sự tiến bộ về kỹ năng, nhận thức của HS đều có sự đồng hành của cô giáo.
Với mong muốn sau này các em sẽ tự chăm lo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, ngoài việc dạy đọc, làm toán thì GV còn lồng ghép các kỹ năng gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày, giúp HS tăng khả năng tự chăm sóc bản thân khi cần thiết... Đặc biệt, hằng tuần nhà trường còn phối hợp với cơ sở đào tạo nghề gội đầu, massage, làm nail gắn với giải quyết việc làm cho các em khiếm thính. Đến nay, đa số các em đã tự thực hành thuần thục những bước cơ bản về gội đầu. Ngoài ra, các cô giáo thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em có cơ hội được thể hiện bản thân, tự tin hơn khi giao tiếp.
Hành trình giúp TEKT sớm hòa nhập cộng đồng, ngoài sự nhẫn nại, yêu thương của GV còn rất cần sự đồng hành của cha mẹ trong suốt chặng đường can thiệp, hỗ trợ. Gia đình với tình yêu thương và môi trường sinh hoạt quen thuộc, sẽ hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của trẻ. Nếu như những hoạt động, kiến thức trên lớp của cô được bố mẹ áp dụng thực hành, luyện tập cùng con hằng ngày sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Do vậy, hằng ngày vào giờ đón, trả trẻ các GV thường xuyên gặp gỡ, trao đổi cùng gia đình các em HS để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tình trạng sức khỏe của các em. Từ đó tạo được mối liên kết gia đình - nhà trường để cùng nhau hỗ trợ giúp các em phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ước mơ về tương lai tươi sáng.
Đến thăm trường, nhìn nơi nghỉ ngơi ấm áp, gọn gàng; những phần cơm trưa đầy đủ chất dinh dưỡng giúp HS phát triển toàn diện, tiến bộ mỗi ngày. Những "mầm non hy vọng" ngày càng lớn mạnh, tự tin và tràn đầy niềm tin vào tương lai nhờ vào sự chăm sóc, bảo vệ và giáo dục từ nhà trường. Đến đây TEKT trên địa bàn tỉnh được học tập, chăm sóc, bảo vệ, vui chơi; được khơi dậy niềm tin, mở ra cơ hội để hòa nhập với cộng đồng.
Mỹ Dung