Chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP

Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP không khó nhưng để giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Do đó, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với nhãn hiệu hàng hóa đang là nhiệm vụ khoa học quan trọng, không chỉ khẳng định chất lượng, tăng tính cạnh tranh mà còn giúp bảo vệ sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP không bị vi phạm.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều chủ thể, doanh nghiệp (DN) chỉ chú tâm phát triển, tiêu thụ sản phẩm cho tới khi sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu trên thị trường, khả năng thương mại mở rộng ra phạm vi ngoài tỉnh, lúc đó mới quan tâm bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu. Đơn cử như trường hợp của cơ sở sản xuất nước mắm Thương Thảo ở thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná (Thuận Nam).

Chị La Thị Lệ Phương, chủ cơ sở nước mắm Thương Thảo chia sẻ: Cơ sở nước mắm của gia đình đã tồn tại trên 60 năm từ thời ba mẹ với tên gọi ban đầu là Phương Thảo. Thời đó chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, thông qua các tài xế xe tải, xe khách để chuyền tai, giới thiệu sản phẩm, lâu dần được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Lúc đó gia đình cũng chỉ tập trung vào sản xuất và kinh doanh nên không nghĩ đến việc bảo hộ hay đăng ký tên nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2015, khi muốn mở rộng kinh doanh vào thị trường siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh phân phối hiện đại thì mới làm hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Nhưng khi đăng ký tên nhãn hiệu nước mắm Phương Thảo thì đã có đơn vị khác đăng ký rồi, buộc lòng tôi phải thay đổi tên mới, mặc dù rất tiếc nhưng không còn cách nào khác. Và khi thay đổi tên mới là nước nắm Thương Thảo thì nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn không biết có phải hàng nhái hay là thay đổi chủ sản xuất. Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến việc kinh doanh vì khách hàng đã quen với tên gọi ban đầu, phải mất một thời gian khá lâu để khách hàng quen với tên gọi mới là nước mắm Thương Thảo.

Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi chú trọng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
cho các sản phẩm OCOP.

Từ câu chuyện trên cho thấy, việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu cần đặc biệt quan tâm, sớm thực hiện bởi bảo hộ là độc quyền, có nhiều lợi ích cho DN và là cơ sở pháp lý bảo vệ DN nếu có xảy ra tranh chấp thương mại. Lâu nay, các DN hay hộ sản xuất, kinh doanh của tỉnh chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa xem việc làm này là bảo vệ tài sản chính đáng của DN. Nhận thấy việc xây dựng và đăng ký bảo hộ SHTT, như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương là rất cần thiết, ngay khi OCOP được triển khai thì UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 (Quyết định số 2367/QĐ-UBND ngày 21/12/2021). Đây là tiền đề quan trọng để các sản phẩm OCOP gia tăng sức cạnh tranh trêm thị trường, đồng thời, thực hiện bảo hộ SHTT cũng là một công cụ đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cần được tiếp tục hỗ trợ để nâng cao giá trị sản phẩm, vì vậy việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hệ thống quảng bá, nhận diện, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm được chứng nhận OCOP của tỉnh gắn với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng là điều cần thiết. Vì thế, trong quá trình triển khai chương trình OCOP thì Sở KH&CN và các cơ quan chuyên môn đã có những bước theo sát, triển khai các hoạt động cụ thể về bảo hộ nhãn hiệu và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai chiến lược SHTT hằng năm. Để tăng cường bảo hộ sản phẩm OCOP, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã tiến hành xác định danh mục sản phẩm OCOP làm căn cứ đề xuất, đăng ký bổ sung với Cục SHTT nhằm bảo hộ quyền SHTT và yêu cầu các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm OCOP thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường...

Sau hơn 2 năm triển khai Chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, kết quả đã hướng dẫn hồ sơ cho 39 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp tại trạm IP Platform. Khởi tạo 18 tài khoản ứng dụng phần mềm (Smart life) truy xuất nguồn gốc cho cả 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Nho, táo, tỏi, cừu, dê, gốm, thổ cẩm, rong sụn. Thực hiện việc in 290.000 tem và bàn giao cho 18 cơ sở được chọn; tổ chức 6 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên sâu về SHTT cho đội ngũ cán bộ quản trị tài sản trí tuệ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp với 370 lượt đại biểu tham dự,...

Tuy nhiên hiện nay việc bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn như: Nhận thức, sự quan tâm và năng lực của chủ thể OCOP về SHTT vẫn còn hạn chế; thời gian đăng ký nhãn hiệu còn dài, khó khăn cho các chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP; việc phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm, lồng ghép gắn với các nhiệm vụ, đề tài về hỗ trợ phát triển SHTT...

Các doanh nghiệp của tỉnh trưng bày sản phẩm OCOP tại một sự kiện. Ảnh: V.Nỷ

Với mục tiêu phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, tiến tới hình thành văn hóa SHTT trong xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hơn 11 tỷ đồng để triển khai Chiến lược SHTT với 5 nhóm nhiệm vụ chính, tập trung vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; nâng cao chất lượng dịch vụ về SHTT và thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ về SHTT trong DN, tổ chức, cá nhân; tập huấn, bồi dưỡng tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT và tuyên truyền thúc đẩy hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Đối với Sở KH&CN, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nội dung của Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030), trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến việc bảo hộ quyền SHTT: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP.