Xã Phước Hà có tổng 978 hộ, với 3.981 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Những năm qua, bên cạnh những điểm sáng về công tác giảm nghèo, diện mạo nông thôn đổi mới, chất lượng đời sống bà con đồng bào được nâng lên, các giá trị văn hóa dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả. Với vốn am hiểu truyền thống văn hóa của dân tộc mình, NCUT trên địa bàn xã luôn trăn trở, tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Người có uy tín Bà Râu Đắc dạy đánh Mã la cho các em học sinh.
Điển hình có ông Bà Râu Đắc, NCUT thôn Giá, với mong muốn âm nhạc dân tộc được gìn giữ nguyên vẹn trước những tác động của văn hóa, âm nhạc hiện đại, ông đã phối hợp tích cực với các nghệ nhân, các trường học trên địa bàn xã tổ chức các buổi học sử dụng nhạc cụ cho các đội nhóm văn nghệ, câu lạc bộ đánh Mã la. Hiện nay, ông đang duy trì việc dạy đánh Mã la cho các em học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phước Hà, với số lượng 30 thành viên; đồng thời, vận động các tộc họ, gia đình tại địa phương lưu giữ các bộ Mã la, không để thất lạc hoặc bán ra thị trường. Qua thống kê, đến nay, toàn xã vẫn giữ được trên 20 bộ Mã la; duy trì hiệu quả các câu lạc bộ văn nghệ trong thôn.
Bên cạnh giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, đội ngũ NCUT còn góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động bà con bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần, gây lãng phí, ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của người dân. Ông Chamaléa Tuế, NCUT thôn Tân Hà chia sẻ: Ngày trước, bà con mỗi khi tổ chức đám cưới, ma chay đều làm rình rang, rườm rà kéo dài từ 4-5 ngày, chi phí tiêu tốn vài con bò, vài chục con gà trong khi đó kinh tế lại khó khăn, phải đi mượn chỗ này, đắp chỗ kia. Sau mỗi sự kiện diễn ra hầu như kinh tế kiệt quệ, túng thiếu. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, tôi vận động bà con tổ chức tiết kiệm, ấm cúng trong gia đình, tộc họ để dành chi phí lo làm ăn, đầu tư phát triển kinh tế. Cũng nhờ vậy mà nhiều hộ gia đình lắng nghe, làm theo. Sau khi thấy hiệu quả mang lại thế là nhà này chia sẻ cho nhà kia, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Ngoài ra, bà con địa phương cũng hiểu hơn về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với sức khỏe của phụ nữ và thế hệ con em. Qua đó, hiện nay, thôn không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bà con đồng lòng, chung tay xây dựng nếp sống văn minh và lành mạnh.
Ông Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà cho biết: Hiện nay, toàn xã có 5 NCUT. Những năm qua, đội ngũ NCUT luôn tích cực phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, việc tang đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc; phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào như: Chữ viết, âm nhạc, trang phục dân tộc, các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Trong năm qua, bà con Raglai tại địa phương vô cùng vui mừng và phấn khởi khi Lễ ăn mừng đầu lúa mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; không xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là kết quả đáng mừng, góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bào miền núi xã Phước Hà.
Lê Thi