Hành động để giảm nỗi đau tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) là điều không ai mong muốn, nhưng nó vẫn thường trực xảy ra, cướp đi cuộc sống của nhiều người và làm nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Bi kịch không chỉ đối với những người gây ra tai nạn, mà còn tác động đến rất nhiều người khác. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người sống và có khi đẩy gia đình vào hoàn cảnh bế tắc.

Lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh thăm, động viên gia đình chị Dương Thị Quý, khu phố 4, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) có chồng tử vong do tai nạn giao thông.

Nhân dịp hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, chúng tôi có dịp cùng đoàn của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đến thăm gia đình chị Dương Thị Quý, ở khu phố 4, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chị là vợ của anh Trần Văn Tâm, nạn nhân đã tử vong do TNGT. Anh Tâm sinh năm 1986, là lao động chính trong gia đình, nhưng không may vào ngày 6/5/2023 anh tử vong trong vụ TNGT xảy ra ở thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước). Đã hơn 6 tháng trôi qua, nhưng vợ anh vẫn còn nguyên nét mặt đau thương do nỗi đau mất chồng quá đột ngột khiến chị bị sốc. Hoàn cảnh gia đình vốn không mấy khá giả, nên anh Tài mất đi không chỉ để lại nỗi đau lớn mà còn khiến vợ anh phải một mình gồng gánh nuôi ba người con nhỏ đang rất cần sự chăm sóc, dạy bảo của người cha; cháu nhỏ nhất mới 4 tuổi, hai cháu lớn còn đang tuổi đi học.

Cái chết đột ngột của cháu Đỗ Chế Ánh Tuyết, học sinh lớp 10 Trường THPT Chu Văn An do TNGT cách đây 1 tháng, khiến gia đình anh Đỗ Văn Thái và chị Chế Gia Ly Na ở khu phố 8, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chưa hết bàng hoàng, xót xa. Vào trưa ngày 6/10/2023, khi Ánh Tuyết đang điều khiển xe máy lưu thông tại ngã tư giao nhau giữa đường Nguyễn Tri Phương với đường 16 Tháng 4 đã xảy ra tai nạn với xe ô tô đi cùng chiều, khiến cháu tử vong tại chỗ. Sự ra đi của cháu để lại nhiều trăn trở và sự tiếc thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và rất nhiều người khi cháu đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Thấm thía nỗi đau mất con, mất em vì TNGT, giờ đây, niềm mong mỏi lớn nhất của người thân của em là mỗi khi bước ra đường, các thành viên trong gia đình của mình được trở về nhà an toàn.

Không gì có thể diễn tả hết nỗi đau của những người có người thân khi đột ngột mất đi trong các vụ TNGT. Có người thân của nạn nhân phải chịu sự ám ảnh rất lâu, khi chứng kiến người thân yêu của mình bị mất đi. Có những trường hợp gặp TNGT và may mắn thoát chết nhưng lại chịu cảnh tàn tật suốt đời.

Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, qua 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã xảy ra 128 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 41 người chết, 129 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14 vụ, số người tử vong không tăng, số người bị thương tăng 15 người. Từ đầu năm đến nay, mặc dù ngành chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là thời gian gần đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng trên cả 3 tiêu chí; trong tháng 10, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 7 người chết, 36 người bị thương. So với cùng kỳ, TNGT tăng 7 vụ, tăng 3 người chết, tăng 6 người bị thương.

Qua điều tra, nguyên nhân chủ yếu các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan hoặc do việc vi phạm các quy định về trật tự ATGT của người tham gia giao thông. Trong đó, có một số lỗi vi phạm thường là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như: Điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không quan sát.

Ông Phạm Thông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Năm ATGT 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” và mục tiêu phấn đấu giảm 10% số vụ, số người chết và người bị thương so với năm 2022. Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian tới Ban ATGT tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Lực lượng chức năng huy động lực lượng tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT, các tuyến và địa bàn giao thông nông thôn; lập kế hoạch chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: Sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; chạy quá tốc độ quy định. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT tới xã, phường, thị trấn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân.