Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Sơn, Thuận Nam: Sẵn sàng vào năm học mới

Đến thời điểm này, các địa phương: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, các huyện Ninh Sơn và Thuận Nam cơ bản hoàn tất việc sửa chữa, chỉnh trang trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ cán bộ (CB) quản lý, giáo viên (GV), sẵn sàng đón học sinh (HS) bước vào năm học 2023-2024.

 

Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 60 trường, với tổng số HS dự kiến ở các bậc học là 36.668 em với 1.217 lớp. Cụ thể, cấp mầm non (MN) 27 trường/8.450 HS/418 lớp; tiểu học (TH) 24 trường/16.782 HS/527 lớp và THCS 9 trường/11.436 HS/272 lớp. Từ nguồn kinh phí xây dựng tập trung của UBND tỉnh hỗ trợ và kinh phí của UBND thành phố, trong năm 2023 thành phố xây dựng mới 127 phòng học. Tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ năm học 2023-2024 là trên 16 tỷ đồng bao gồm: Làm mới nền phòng học, sửa hệ thống điện, thay tôn mới, chống dột, sửa chữa bàn ghế, hệ thống cửa phòng học, nhà vệ sinh... Ngoài ra, từ nguồn kinh phí 6 tỷ đồng, UBND thành phố đầu tư sửa chữa 8 trường gồm 48 phòng học và xây mới cổng tường rào các trường. Cùng với đó, các trường mua sắm trang thiết bị phục vụ năm học mới như tivi, máy tính, đèn chiếu, bàn ghế HS, đồ chơi ngoài trời, phương tiện và thiết bị dạy học... với kinh phí trên 4,7 tỷ đồng.

Những ngày này, CB, GV Trường TH Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang tất bật dọn vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, trang trí lớp học sạch đẹp để đón HS vào năm học mới. Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023-2024, nhà trường được đầu tư, xây dựng 12 phòng học khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và học. Nhà trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 1 với 224 em, nâng tổng số HS toàn trường lên 1.409 HS, biên chế 35 lớp. Với CSVC hiện tại, trường đảm bảo được mỗi lớp/phòng theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Không chỉ chuẩn bị về CSVC, để tiếp sức cho học trò nghèo đến trường, nhà trường còn chủ động vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng quà cho các em trước ngày khai giảng.

Trường TH Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được đầu tư xây mới 12 phòng học phục vụ năm học 2023-2024. Ảnh: M.Dung

Theo lộ trình Chương trình GDPT năm 2018 từ năm học 2023-2024, việc thay sách giáo khoa (SGK) mới sẽ áp dụng đối với các lớp 4 và lớp 8. Để phụ huynh, HS nắm được kế hoạch thực hiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều phân công GV giữ liên lạc với phụ huynh, HS để hướng dẫn các em ôn tập đồng thời thông tin kịp thời kế hoạch của năm học mới. Trong dịp hè, các GV đều tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố tổ chức. Từ đó, cập nhật những kiến thức mới trong công tác quản lý, dạy học, góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Thị Hường, Trưởng phòng GD&ĐT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ CB quản lý, GV vững mạnh toàn diện; đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học theo chương trình GDPT hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; chủ động sắp xếp, bố trí CB, GV theo hướng dẫn từng bậc học, nhằm đảm bảo công tác dạy và học và thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các đơn vị. Đối với việc thay SGK, Phòng chỉ đạo các trường thực hiện đúng theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT. Các GV đều tham gia tập huấn, sẵn sàng cho việc tiếp nhận SGK, tài liệu dạy học, nghiên cứu nội dung chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục, thực hiện chương trình của năm học 2023-2024 theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ HS và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Năm học 2023-2024, toàn huyện Ninh Sơn có 38 trường ở 3 cấp học, với tổng số dự kiến là 14.075 HS. Để đảm bảo chất lượng dạy và học, hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường thống kê tổng số HS, số lớp học, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các công trình của đơn vị mình để phối hợp cùng với chính quyền các cấp thực hiện, từng bước đáp ứng các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia và yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Tính đến tháng 8/2023, huyện đã đầu tư gần 26 tỷ đồng cho việc xây mới, sửa chữa phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, sân trường...; 23/38 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 đến cấp độ 2, đạt 60,52%. Qua đó, bảo đảm mỹ quan và môi trường học tập xanh - sạch - đẹp, thân thiện với HS.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn (điểm trường thôn Lương Tri) chuẩn bị đồ dùng dạy học, sẵn sàng đón học sinh tựu trường vào ngày 28/8. Ảnh: T.Xuân

Cô Huỳnh Thị Lụa, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn cho biết: Trường Mẫu giáo Nhơn Sơn có 3 điểm trường, trong đó điểm trường thôn Lương Tri (xã Nhơn Sơn) được xây mới hoàn toàn với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, vừa được bàn giao khu hiệu bộ, phòng học và chức năng với đầy đủ trang thiết bị trong tháng 8/2023. Hiện tại, CB, GV trường đang tất bật tham gia chuyển đồ dùng, trang thiết bị vào các phòng học đồng thời tiến hành vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, trang trí lớp học cho sạch đẹp, thân thiện, sẵn sàng đón HS tựu trường vào ngày 28/8.

Cùng niềm vui, thầy và trò Trường TH Ma Nới háo hức khi dãy phòng chức năng mới được đưa vào sử dụng. Thầy Katơr Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường TH Ma Nới chia sẻ: Năm học 2023-2024, trường được đầu tư xây mới 4 phòng học (Tin học, tiếng Anh, Nghệ thuật) khang trang với đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại có tổng vốn trên 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa giáo dục; qua đó, tạo điều thuận lợi cho GV của trường thực hiện các phương pháp dạy học mới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thành trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiện, 4 điểm trường thuộc TH Ma Nới có 25 lớp học với tổng dự kiến 407 HS; phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em chuẩn bị vào lớp 1 chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt, do đó, từ ngày 7/8 đến 1/9, trường tập trung tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt để các em khỏi bỡ ngỡ và theo kịp chương trình học.

Trường Tiểu học Ma Nới (Ninh Sơn) dạy Tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số trước khi vào năm học mới. Ảnh: Thanh Xuân

Không chỉ đảm bảo CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy học, SGK cho năm học mới cũng được Phòng GD&ĐT huyện quan tâm. Bên cạnh việc thông báo đầy đủ, kịp thời đến phụ huynh, HS về bộ SGK, đồ dùng, thiết bị mà HS cần chuẩn bị cho năm học mới, phòng đã phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương cùng các đơn vị trường học tăng cường kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, cho, tặng SGK, tài liệu tham khảo, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo phục vụ tốt cho công tác dạy và học trước khi bước vào năm học mới; quản lý, tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng. Theo đó, đã huy động hơn 1 tỷ đồng; trong đó có 178 tivi thông minh, 158 máy vi tính phục vụ giảng dạy Chương trình GDPT 2018, đạt 81,7%; cơ bản đảm bảo 100% HS đều có sách đến trường.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng thiếu GV, toàn huyện thiếu 81 biên chế theo định mức quy định, điều này đã gây áp lực rất lớn cho các nhà trường trong việc sắp xếp sĩ số lớp học, bố trí GV, nhất là GV các môn đặc thù như: Tin học và Tiếng Anh. Hiện tại cấp TH thiếu 10 GV Tiếng Anh và 15 GV Tin học; cấp THCS thiếu 9 GV Tin học so với nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Theo đồng chí Nguyễn Cam, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Sơn, trong thời gian chờ các cấp, ngành ở huyện, tỉnh bổ sung đội ngũ GV nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, phòng đã xây dựng một số giải pháp trước mắt để đảm bảo 100% HS được học tập theo đúng chương trình mới như: Tập trung khai thác tối đa đội ngũ GV Tiếng Anh và Tin học hiện có trong các đơn vị trường học và trên địa bàn; bố trí GV Tiếng Anh và Tin học dạy liên trường và thực hiện dạy thêm giờ tối đa theo quy định; đồng thời các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị để có những giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả nhất.

Năm học 2023-2024, huyện Thuận Nam dự kiến đón 11.663 HS; trong đó, bậc MN có 1.397 trẻ/57 lớp; bậc TH có 6.585 HS/235 lớp; THCS 3.240 HS/85 lớp, so với năm học trước, toàn huyện tăng 5 lớp với 221 HS. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện tích cực triển khai các điều kiện về CSVC, trang thiết bị và nguồn nhân lực đảm bảo công tốt giảng dạy. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam cho biết: Nhằm đáp ứng chương trình GDPT, tranh thủ dịp hè, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó chú ý các điểm mới của chương trình, việc sử dụng bộ SGK mới đối với các khối. Đồng thời, hoàn tất công tác triển khai tập huấn về phương pháp dạy học, các nội dung SGK cho đội ngũ GV giảng dạy theo SGK đã lựa chọn; công tác lựa chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện kịp thời. Ngoài ra, việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được huyện chú trọng như bố trí sắp xếp GV đảm bảo theo đúng quy định của từng cấp học; tổ chức cho CB, GV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý cũng như tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị. Trong năm học này, toàn huyện có 741 CB, GV và nhân viên thuộc biên chế. So với định mức quy định, còn thiếu 132 GV; trong đó, bậc MN thiếu 19 GV, bậc TH thiếu 72 GV và bậc THCS thiếu 41 GV. Số GV thiếu so chủ yếu ở 2 bộ môn Tiếng Anh và Tin học.

Trường TH-THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thuận Nam) sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: T.Mạnh

Về chuẩn bị CSVC trường, lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện Thuận Nam đã tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 25 phòng học tại Trường MN Cà Ná, Mẫu giáo Phước Nam, TH-THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH-THCS Hoàng Hoa Thám, Trường Phổ thông DTBT THCS Phước Hà và các hạng mục khác tại các trường, với tổng kinh phí là trên 11,9 tỷ đồng. Cùng với đó, để chuẩn bị nguồn SGK đáp ứng nhu cầu học tập của HS, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Ninh Thuận để cung ứng các loại SGK lớp 1,2,3,4 và lớp 6,7,8 cho các trường TH, THCS trên địa bàn theo Chương trình SGK GDPT 2018.

Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện Thuận Nam cũng đang tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm hỗ trợ tiếp sức đến trường cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tin rằng năm học 2023-2024, các địa phương sẽ gặt hái được thành tích cao.