Giai đoạn 2022-2025 sẽ đào tạo nghề cho hơn 8.000 lao động nông thôn làm nông nghiệp

Nhằm đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ), ngày 5/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5307/KH-UBND đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng LĐNT có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tập trung đào tạo cho LĐNT để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021-2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…); đào tạo nhằm giải quyết an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận LĐNT sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.

Học viên thực hành nghề may tại trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ

Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 8.164 LĐNT làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; trong đó, sẽ đào tạo 199 “Giám đốc các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp”, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo cho 7.965 LĐNT tham gia các vùng nguyên liệu, lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong đó, xây dựng kế hoạch hằng năm đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh. Huy động lực lượng tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi, nghệ nhân, thợ giỏi và lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp để tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Chỉ đạo hệ thống khuyến nông gắn kết các hoạt động khuyến nông với hoạt động GDNN và tổ chức nhân rộng mô hình GDNN gắn với hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài truyền hình tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả để tổ chức nhân rộng.

Các cơ sở GDNN chủ động rà soát và xây dựng các chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi an toàn, các nghề dịch vụ nông nghiệp. Khảo sát nhu cầu học tập nghề của LĐNT, tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề đảm bảo theo chương trình đơn đặt hàng đã được phê duyệt. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hình thức bắt tay chỉ việc, đào tạo thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất. Tổ chức linh hoạt các hình thức đào tạo từ trực tiếp, sang trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Đẩy mạnh ký hợp đồng với các đơn vị sử dụng lao động để tổ chức đào tạo nghề theo yêu cầu.

Đối với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp phối hợp với cơ sở GDNN tổ chức đào tạo GDNN các trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo quy định của pháp luật…




  

 

tin đã đưa

Khai mạc Vườn hoa Xuân Ất Tỵ 2025