Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 30/11/2022, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ký ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhất là sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, công tác cải cách hành chính đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện. Công tác cải cách tổ chức bộ máy có chuyển biển tích cực, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính thực hiện có hiệu quả, đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; cải cách công vụ được quan tâm đẩy mạnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng cao; công tác cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số đã được triển khai bám sát tiến độ, kế hoạch đề ra; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ngày càng được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Nhận thức và triển khai thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu, chưa toàn diện. Chỉ số PCI tụt giảm so với năm 2020; một số Sở, ngành, địa phương chậm chuyển biển, nhiều năm liền xếp vị thứ thấp về công tác cải cách hành chính hoặc có xu hướng tụt giảm qua các năm; công tác tuyên truyền cải cách hành chính tại một số thời điểm hiệu quả chưa cao; chưa phát huy được mặt tích cực của các ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ có nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc; việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có nơi còn kéo dài.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ kịp thời cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do: Trách nhiệm của tập thể cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quán triệt, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị và thiếu các giải pháp cụ thể, đồng bộ để thực hiện; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, góp phần tạo đột phá mới, khai thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Công tác cải cách hành chính phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng thông qua nhiều hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp thu về mục tiêu, ý nghĩa và các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả thực hiện cải cách hành chính nhà nước đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thái độ tích cực, tinh thần hợp tác, phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về công tác cải cách hành chính; xác định công tác cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

3. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công trách nhiệm, quy định thẩm quyền cụ thể, cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, DTI), từng nội dung thành phần trong các chỉ số; xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp mới, gắn với sản phẩm cụ thể, tạo đột phá căn bản, toàn diện trong thời gian đến.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường vai trò nêu gương trong chấp hành thực hiện cải cách hành chính, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý; triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước cấp có thẩm quyền về kết quả thực hiện cải cách hành chính, kết quả phụ trách các nội dung phân công trong các chỉ số, giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với công tác đánh giá, xếp loại, thi đua, khen thưởng hằng năm.

4. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc công tác theo dõi thi hành pháp luật, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật. Xác định giáo dục pháp luật là trọng tâm để ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

5. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng thực chất, tạo ra bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ để chuẩn hoá, đơn giản hoá quy trình thủ tục nghiệp vụ; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ; rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

6. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch tinh giảm, phân bổ biên chế của hệ thống chính trị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2026 theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn.

8. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; kiên quyết thực hiện và đẩy nhanh lộ trình nâng dần mức độ tự chủ về tài chính và tiến độ cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Tiếp tục gắn kết hiệu quả công tác cải cách hành chính với triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công, cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

10. Tổ chức thực hiện:

- Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; ban hành Nghị quyết chuyên đề hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính; lãnh đạo chính quyền các cấp ban hành Chương trình, Kế hoạch, Đề án cải cách hành chính hằng năm và tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả.

- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị và tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cải cách hành chính trong toàn thể hội viên và các tầng lớp Nhân dân; tăng cường tổ chức giám sát, phản biện và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người dân về công tác cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

- Ban cán sự đảng Ủy ban nhân tỉnh chủ trì, phối hợp các ban đảng tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác điều hành, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị; định kỳ báo cáo, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.




  

 

tin đã đưa