Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trên các mặt công tác, lĩnh vực đời sống xã hội. Các nghị quyết, chỉ thị do các cấp ủy đảng ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; trong đó, nhiều chủ trương mang tính đột phá, sáng tạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Các cấp ủy đảng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, đã chú trọng đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng tại địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy đảng còn lúng túng trong thực hiện việc ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng, có nơi chưa sát với thực tiễn, kết quả chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao; chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc biểu dương, khen thưởng; khắc phục, xử lý hạn chế sau kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc ban hành, học tập, quán triệt, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị chưa thật sâu sắc, toàn diện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành
trong thực hiện, cụ thể hóa một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, đồng bộ và chưa thống nhất các quy trình ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Để đổi mới việc ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đổi mới việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết đại hội đảng các cấp nhằm lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, đột phá để xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị.
Nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để ban hành các nghị quyết, chỉ thị đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và đúng về quan điểm, chủ trương của Đảng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, đề án, chất lượng hội thảo, hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đảm bảo nghị quyết của Đảng phải có cơ sở khoa học, thực hiện theo quy trình khoa học; đánh giá đúng và trúng tình hình thực tiễn, đề ra được quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn và khả thi; tạo sự tin tưởng, kỳ vọng và tạo được động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Việc ban hành nghị quyết, chỉ thị theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, bảo đảm tính khả thi cao. Đẩy mạnh và phát huy dân chủ, trí tuệ, sáng kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan tham mưu xây dựng nghị quyết.
2. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị quyết, chỉ thị không còn phù hợp với thực tiễn. Kiên quyết khắc phục các biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế; khắc phục tình trạng không dám nói, không dám hành động, an phận, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
3. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy thực hiện tốt vai trò nêu gương, nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng; coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
4. Tăng cường đổi mới phương pháp, cách thức ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng; từng bước đa dạng hóa hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chỉ thị của Đảng; việc tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, cần kết hợp giữa thuyết trình với thảo luận, đối thoại giữa báo cáo viên và người học; kết hợp giữa quán triệt nội dung nghị quyết, chỉ thị với liên hệ thực tế và tổ chức thảo luận góp ý vào chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị.
5. Chú trọng nâng cao chất lượng, phát huy vai trò và ưu thế của công tác tuyên truyền miệng trong tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác tuyên truyền miệng ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đa dạng hóa, tăng tính thuyết phục, hiệu quả; đẩy mạnh và phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại giữa người nói và người nghe; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thiếu tính thuyết phục. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên các cấp, bảo đảm về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín trong Nhân dân; đồng thời xây dựng lực lượng tuyên truyền viên ở các cấp, các ngành, mặt trận, các đoàn thể, nhất là ở cơ sở có chất lượng cao, là lực lượng sắc sảo, nhạy bén, tinh nhuệ trên lĩnh vực chính trị tư tưởng trong triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
6. Nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng; tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất, có khả năng tổng kết thực tiễn; đề xuất giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tập trung đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số đối với việc ban hành, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
7. Thực hiện đổi mới việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng quy trình, quy định cụ thể; kịp thời đánh giá, bổ sung nghị quyết, chỉ thị ngay trong quá trình triển khai hoặc sau một giai đoạn của cả quá trình thực hiện về những vấn đề mới phát sinh; phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để tạo hiệu quả tốt hơn trong việc triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.
8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong nghiên cứu, phản biện, ban hành, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
9. Tổ chức thực hiện
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này.
- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh: chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm cho công tác đổi mới ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
- Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; UBND các huyện, thành phố cân đối, bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo nội dung Đề án.
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Tham mưu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ cho các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở, các đồng chí là công chức trong các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; cụ thể hóa, bổ sung các tiêu chí về tổ chức ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong đánh giá, xếp loại khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu hàng năm.
- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Chủ trì tham mưu thực hiện quy trình đổi mới công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
- Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu thực hiện quy trình việc ban hành, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị đã được đề ra trong Đề án. Đẩy nhanh ứng dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành góp phần chuyển tải nhanh các thông tin, văn bản chỉ đạo, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến cơ sở.
- Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh thực hiện tốt quy trình phản biện, lấy ý kiến Nhân dân, nắm bắt, phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong việc ban hành, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên. Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực thực hiện tốt kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
- Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
NT