Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cơ bản tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp, đưa thông tin phản ánh đầy đủ, khách quan, đúng bản chất sự việc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, gần đây có một số sự việc liên quan tới việc thực hiện không đúng quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của một số sở, ngành và địa phương đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh và gây dư luận không tốt trong xã hội. Ngoài ra, một số phóng viên báo chí phản ánh một số cơ quan, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong việc cung cấp, phản hồi thông tin.
Các phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương tác nghiệp tại buổi họp báo ở Sở Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Văn Nỷ
Để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc thực hiện Quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Văn bản số 1375-CV/BTGTU ngày 2-8-2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ngày 17-8-2022, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký thay Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 3591/UBND-VXNV gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; Hội Nhà báo tỉnh; UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo đó, nội dung công văn yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai các nội dung: Tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 22-6-2017 của Tỉnh ủy và Quyết định số 82/2017/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND tỉnh.
Bố trí cán bộ phụ trách công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị (là người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã hoặc người được ủy quyền phát ngôn); cập nhật danh sách người phát ngôn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng nội dung phát ngôn không đúng, không thống nhất dẫn tới sự việc bị suy diễn, xuyên tạc làm phức tạp thêm vấn đề, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Việc cung cấp thông tin: Đảm bảo thông tin cung cấp cho báo chí phải chính thống, kịp thời, chính xác và công khai, minh bạch để báo chí có đầy đủ thông tin để đưa tin, phản ánh. Tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp theo quy định pháp luật, nhằm hạn chế tình trạng báo chí thiếu thông tin dẫn đến đưa tin một chiều, thiếu khách quan, thiếu toàn diện, không chính xác.
Việc xử lý thông tin trên báo chí: Chủ động theo dõi thông tin đăng tải về cơ quan, đơn vị, địa phương mình qua phản ánh của báo chí, nếu báo chí phản ánh đúng cần phải có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo chí đã nêu. Trường hợp phát hiện thông tin sai sự thật, không khách quan, một chiều làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân và công tác lãnh đạo, điều hành của tổ chức, đơn vị, địa phương và gây dư luận không tốt trong Nhân dân thì phải có văn bản đề nghị cơ quan báo chí thực hiện việc cải chính theo đúng quy định; đồng thời gửi văn bản về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để nắm bắt, xử lý.
Việc trả lời phỏng vấn báo chí: Khi nhận được đề nghị phỏng vấn, cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, nhà báo, người được phỏng vấn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện nhiệm vụ phỏng vấn, cung cấp thông tin; đồng thời chuẩn bị chu đáo, đúng trọng tâm nội dung để trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin cho báo chí. Khẩn trương khắc phục những hạn chế về tình trạng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí, nhất là trước các vụ việc nóng, phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc tiếp và làm việc với báo chí: Thực hiện tiếp, làm việc và tạo điều kiện cho phóng viên báo chí hoạt động tác nghiệp theo đúng quy định. Khi tiếp xúc, cung cấp thông tin, các cơ quan, đơn vị, người có trách nhiệm có quyền yêu cầu nhà báo, phóng viên cung cấp Thẻ nhà báo (do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) hoặc giấy giới thiệu (do cơ quan báo chí cấp) còn thời hạn, nội dung ghi rõ: Làm việc với cơ quan tổ chức nào, nội dung gì và thời gian cụ thể. Nếu phát hiện có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh về Đường dây nóng của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (0865.28.28.28; email:duongdaynongbaochi@mic.gov.vn) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tham mưu bổ sung Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cập nhật và công khai danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội; tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh những trường hợp người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị vi phạm các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và tham gia mạng xã hội gắn với công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Đồng thời theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
Phước Đức