Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra quanh năm nhưng vào mùa nắng nóng, ngộ độc thực phẩm thường xảy ra nhiều hơn, đặc biệt đây là mùa du lịch. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm người dân nên ý thức thực hiện:
- Chọn hàng quán có uy tín, có lượng khách đông khi đi ăn.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.
- Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi...
- Nước uống và chế biến thực phẩm phải là nước sạch. Không nên ăn rau sống kể cả các loại rau dùng ăn kèm trong ăn phở, bún chả, thịt nướng, thịt chó...
- Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.
- Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì tuyệt đối không mua. Những người đi du lịch hay người dân khi thấy các loại thức ăn đã chế biến sẵn nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh thì tuyệt đối từ chối sử dụng.
Đối với nhà hàng, khách sạn: Cần hướng dẫn và có theo dõi vấn đề thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Chọn thực phẩm, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng.
- Các loại thực phẩm cần phải nấu chín và khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ và sau đó cần cho vào bảo quản ở vào tủ lạnh.
- Các loại rau, quả cần ngâm vào nước sạch và rửa thật kỹ trước khi đưa vào chế biến (rau) hoặc ăn (trái cây).
B.H (Theo Báo SK&ĐS)