Nâng cao năng lực các khu cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19

Để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, các địa phương đang chủ động nâng cao năng lực khu cách ly tập trung. Ngành Y tế cũng đang rà soát, mở rộng khu vực điều trị, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để điều trị hiệu quả các ca bệnh COVID-19.

 Đảm bảo công tác cách ly y tế tập trung

Mặc dù, tỉnh ta đã chủ động phương án tăng cường các khu cách ly tập trung đối với các tuyến, nhưng trước diễn biến của tình hình dịch như hiện nay đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng các khu cách ly để không bị động trước các tình huống. Theo Ban Điều hành các khu cách ly tập trung tỉnh, toàn tỉnh đã bố trí 17 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận gần 2.700 người, nhưng đến nay các cơ sở đã vượt công suất. Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, huyện đã kích hoạt các điểm cách ly mới cấp huyện và xã. Mặt khác, kêu gọi người dân trong khu cách ly tập trung cùng chia sẻ khó khăn, nhờ gia đình hỗ trợ các vật dụng như chăn, gối, mền, giường xếp, đồ dùng cá nhân khi cách ly tập trung, để chính quyền địa phương tiếp nhận chuyển đến cho bà con. Trong đêm 31-7, huyện đã phối hợp đón hơn 700 công dân có hộ khẩu trên địa bàn huyện Ninh Phước đưa về các khu cách ly tập trung. Do số lượng đón về tăng gấp đôi so với dự kiến nên huyện đã kích hoạt các khu cách ly dự phòng tại các xã. Hiện nay, huyện đã bố trí 5 khu, đang tổ chức cách ly 1.500 công dân. Nhằm chủ động phương án lâu dài, huyện cũng đã sẵn sàng kích hoạt 3 khu cách ly tập trung ở các xã cho 450 người; đồng thời sàng lọc để bố trí cách ly hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Khu cách ly tập trung tại Trường THCS và THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Nhằm chủ động bố trí đủ chỗ để phục vụ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu cách ly phòng dịch, tỉnh ta đã chỉ đạo các lực lượng và địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung năng lực các cơ sở cách ly. Đến nay toàn tỉnh đã có 33 cơ sở cách ly trên cả 3 tuyến, tỉnh, huyện và xã với năng lực cách ly khoảng 6.219 người. Trong đó, chủ yếu huy động các cơ sở là ký túc xá, trường học, doanh trại quân đội để tận dụng cơ sở vật chất có sẵn và không gian đủ rộng, đảm bảo vệ sinh để sử dụng làm khu cách ly. Ngoài các cơ sở cách ly đối tượng nguy cơ cao thuộc cấp tỉnh, các địa phương đều bố trí cơ sở cách ly tại huyện và xã đảm bảo không bị quá tải, thuận lợi cho các công tác quản lý của địa phương, vừa huy động được sự hỗ trợ của gia đình, người thân, cộng đồng về điều kiện sinh hoạt.

Qua kiểm tra các cơ sở cách ly tập trung, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cần phải tăng cường năng lực để dự phòng cho các tình huống trước mắt và lâu dài. Các khu cách ly phải đảm bảo đủ không gian giãn cách, đảm bảo điều kiện vệ sinh sạch sẽ, công tác quản lý chặt chẽ và nghiêm túc; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Mặt khác cần vận động các khách sạn trên địa bàn tỉnh làm dịch vụ cách ly tập trung đối với các công dân có nhu cầu để sẵn sàng tiếp nhận khách khi cần thiết.

Nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị bệnh

Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay năng lực xét nghiệm mẫu đối với toàn tỉnh khoảng 1.400 mẫu/ngày; trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh khoảng 400 mẫu/ngày và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 1.000 mẫu/ngày. Trong thời gian gần đây, với lượng mẫu lấy rất nhiều và yêu cầu có kết quả nhanh, do đó các cơ sở xét nghiệm thường xuyên hoạt động hết công suất, cán bộ y tế làm việc xuyên đêm, rất ít thời gian nghỉ. Về năng lực điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, toàn tỉnh đã bố trí 4 cơ sở điều trị với tổng công suất gần 400 giường bệnh. Trong đó, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi khoảng 70 giường; Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm 40 giường, Bệnh viện dã chiến Thuận Nam 200 giường và Bệnh viện Đa khoa tỉnh 50 giường. Theo phân tuyến điều trị, các cơ sở y tế huyện cũng có thể tiếp nhận điều trị ban đầu đối với những ca bệnh nhẹ và tại Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm vẫn còn khả năng mở rộng thu dung được thêm 40 giường nhưng phải đầu tư bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế. Mới đây, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã có chủ trương hỗ trợ tỉnh xây dựng Bệnh viện dã chiến tại khu Đặc công 5, giúp tỉnh tăng năng lực điều trị.

Theo phương án đề xuất của Sở Y tế nhằm chủ động cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, dự phòng cho tình huống có thể thu dung, điều trị cùng lúc cho 500-1.000 ca bệnh, đủ điều kiện có thể điều trị tích cực cho 100 ca bệnh nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rất cần thiết phải xây dựng phương án đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng phạm vi khu điều trị trong thời gian tới. Trước mắt, trong điều kiện hiện nay, cần ưu tiên đầu tư hoàn thiện 50 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trên cơ sở mở rộng khu Hồi sức cấp cứu và Khoa Điều trị theo yêu cầu với mức đầu tư các máy móc, thiết bị y tế cơ bản khoảng 45 tỷ đồng.

Chuẩn bị bữa ăn tại cơ sở cách ly tập trung Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận.

Để kịp thời triển khai các giải pháp tiếp theo phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần chủ động và khẩn trương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh việc khẩn trương kích hoạt, bố trí lực lượng khu cách ly tập trung tại Trường THPT Chu Văn An để chủ động trước các tình huống phát sinh; tiếp tục khảo sát một số khu cách ly dự phòng, sẵn sàng điều kiện trưng dụng và kích hoạt khi có các tình huống mới. Cần đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung công tác xét nghiệm, kịp thời phát hiện và đưa các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đi điều trị, tách các trường hợp tiếp xúc gần để cách ly, theo dõi, phòng, chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giao Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo mở rộng năng lực điều trị tại các cơ sở y tế như: Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm thêm 40 giường, Bệnh viện Sài Gòn - Phan Rang 40 giường và nghiên cứu bổ sung huy động Bệnh viện huyện Ninh Hải theo năng lực phù hợp. Mặt khác, rà soát lại hệ thống trang thiết bị y tế hiện có tại các tuyến để điều động phục vụ các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo phân tuyến điều trị; trong đó ưu tiên cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cơ sở tuyến cuối có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nặng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng sự chủ động nâng cao năng lực cách ly, điều trị bệnh của các ngành, các cấp, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.