Cây Hoàng Cầm

Mô tả cây

Hoàng cầm là một loại cỏ sống dai, cao 20-50cm, có rễ phình to thành hình chuỳ, mặt ngoài màu vàng sẫm bẻ ra có màu vàng. Thân mọc đứng, vuông, phân nhánh, nhẵn hoặc có lông ngắn. Lá mọc đối, cuống rất ngắn hoặc không cuống, phiến lá hình mác hẹp, hơi đầu tù, mép nguyên, dài 1,5-4cm, rộng 3-8mm hoặc 1cm, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới xanh nhạt. Hoa mọc thành bông ở đầu cành, màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi, 4 nhị màu vàng, bầu có 4 ngăn.

Công dụng và liều dùng

Trong đông y hoàng cầm là một vị thuốc mát, chữa sốt, chữa cảm mạo, ho cảm, cầm máu, kinh nguyệt quá nhiều. Theo tài liệu cổ: Hoàng cầm vị đắng tính hàn, vào 5 kinh tâm, phế, can, đởm và đại tràng. Có tác dụng tả phế hoả, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa hàn nhiệt vãng lại, phế nhiệt sinh ho, tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt da vàng, đầu nhức, mắt đỏ, động thai. Liều dùng mỗi ngày 6 đến 15g sắc với nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể dùng bột.

Đơn thuốc có hoàng cầm

Thanh kim hoàng: Hoàng cầm sấy khô tán nhỏ làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày dùng 20-30 viên. Chữa các bệnh đổ máu cam, thổ huyết, kinh nguyệt quá nhiều, cảm mạo, ho cảm.

Tam hoàng cầm: Hoàng cầm (mùa xuân dùng 120g, mùa hạ và mùa thu 240g, mùa đông 120g), Hoàng liên (mùa xuân 160g, mùa hạ 280g, mùa thu 120g, mùa đông 80g), Đại hoàng (mùa xuân 120g, mùa hạ 40g, mùa thu 120g, mùa đông 200g). Cả ba vị, liều lượng tuỳ theo mùa mà thay đổi, tất cả tán nhỏ, dùng mật ong viên thành viên to bằng hạt đậu đen. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-7 viên. Uống luôn trong 1 tháng. Chữa bệnh ho lao, viêm niêm mạc tử cung.

Hoàng cầm- mạch môn đông, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày thay nước. Dùng sau khi sinh bị mất máu nhiều, khát nước.