Chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô

Hiện nay đang là cao điểm bước vào mùa khô năm 2021, theo dự báo tình hình nắng nóng có thể kéo dài, gây khô hạn cục bộ. Một số khu vực rừng trên địa bàn tỉnh không còn giữ được độ ẩm cần thiết dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Từ ngày 13-3, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Đây là cấp có nguy cơ cháy rừng cao. Trong đó, các vùng rừng thường dễ xảy ra cháy tập trung những khu vực các xã Phước Chính, Phước Thành, Phước Đại, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Trung, Phước Bình (Bác Ái); khu vực Lâm Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới, Quảng Sơn, Lương Sơn và Mỹ Sơn (Ninh Sơn)... Vì vậy, Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Ban Chỉ huy các cấp, đơn vị chủ rừng chủ động xây dựng các phương án PCCCR hiệu quả nhất. Theo đó, đã tăng cường chỉ đạo củng cố lại Ban Chỉ huy BVR&PCCCR các cấp, đặc biệt là cấp xã, các tổ, đội PCCCR thôn, xóm và tiến hành bổ sung các chòi canh lửa, bố trí lực lượng trực ngoài thực địa 24/24 giờ.

Trước dự báo khả năng diễn biến mùa khô có thể kéo dài và phức tạp trong năm nay, để công tác PCCCR đạt hiệu quả, giảm thiểu số vụ và số diện tích rừng bị cháy, cũng như sự phối hợp của người dân khi xảy ra cháy rừng, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục Luật Bảo vệ rừng và Phát triển rừng và công tác PCCCR bằng nhiều hình thức như: Tổ chức tuyên truyền lưu động, họp dân tại thôn để nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVR&PCCCR. Chi cục cũng chỉ đạo các lực lượng thường xuyên tăng cường tuần tra, ngăn chặn tình trạng đốt nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các Hạt Kiểm lâm đã cử cán bộ về các xã, cùng với chính quyền địa phương triển khai cho các tổ, đội PCCCR hoạt động với phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra việc thực hiện phương án PCCCR đã được phê duyệt của các đơn vị; củng cố Ban Chỉ huy BVR&PCCCR cấp huyện, xã, chủ rừng cũng như nâng cao hiệu quả các trạm, chốt bảo vệ rừng vùng giáp ranh; thành lập các tổ chữa cháy rừng cộng đồng, nhằm chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy… khi có báo động cháy, các lực lượng tổ chức ứng phó kịp thời.

Cán bộ Trạm bảo vệ rừng xã Phước Vinh (Ninh Phước) phối hợp
với các tổ cộng đồng kiểm tra khu vực rừng đơn vị quản lý.

Đến thời điểm hiện nay, tất cả các đơn vị đã tổ chức, củng cố lực lượng, thường xuyên túc trực theo dõi báo cáo tình hình và kịp thời tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy. Các cấp, địa phương, đơn vị đã chủ động thành lập các Ban Chỉ huy BVR&PCCCR các cấp; củng cố và tăng cường các lực lượng cho các tổ, đội PCCCR ở cơ sở. Đến nay, ngoài cấp tỉnh, cấp huyện đã củng cố 7 Ban Chỉ huy BVR&PCCCR, các địa phương củng cố 35 Ban Chỉ huy BVR&PCCCR ở những xã có rừng trọng điểm. Ngoài ra, 8 đơn vị chủ rừng cũng đã chủ động thành lập Ban Chỉ huy BVR&PCCCR riêng của đơn vị. Các đơn vị còn hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của 97 tổ chuyên trách PCCCR trong mùa khô; bố trí 61 điểm trực ngoài thực địa thực hiện trực PCCCR nghiêm túc theo đúng quy định tại trụ sở Ban Chỉ huy BVR&PCCCR các cấp. Đồng thời, xây dựng và kiên cố các chòi canh lửa, tạo đường ranh cản lửa tại các khu vực điểm nóng cháy rừng. Một số đơn vị chủ rừng đã tiến hành đốt có chủ động hơn 50 ha thực bì khô, tránh tình trạng xảy ra cháy lan trên diện rộng.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, chủ yếu là thảm thực bì nên không gây thiệt hại nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng là do sự bất cẩn của người dân khi phát đốt nương rẫy vào cao điểm mùa khô dẫn đến cháy lan; một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa không dập tắt, gây ra cháy rừng. Vì vậy, công tác PCCCR rừng đang được các lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng tập trung quyết liệt, nhất là công tác quản lý nương rẫy.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh ta có tổng diện tích rừng trên 153.888 ha. Trong đó, các vùng rừng thường xuyên dễ xảy ra cháy tập trung ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái... Vì vậy, công tác PCCCR đang được các huyện triển khai tích cực. Ông Trần Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn, cho biết: Tổng diện tích lâm phần của đơn vị quản lý trên 29.000 ha. Từ đầu mùa khô, đơn vị đã cử lực lượng và trang thiết bị, công cụ hỗ trợ xuống các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy để thực hiện tốt nhiệm vụ BVR&PCCCR. Đơn vị đã triển khai phát dọn, xử lý thực bì trước khi bắt đầu vào mùa khô. Hiện đơn vị đã bố trị lực lượng túc trực 24/24 giờ tại những tiểu khu điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng. Đồng thời, yêu cầu các tổ cộng đồng có lâm phần nhận giao khoán nghiêm túc thực hiện cam kết quản lý bảo vệ rừng, kịp thời báo cháy khi phát hiện để lực lượng ứng cứu kịp thời. Nhờ triển khai tốt công tác PCCCR, từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng, chủ yếu cháy lớp thực bì, diện tích không đáng kể.

Theo dự báo, khả năng cấp nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh ta sẽ tăng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) nếu thời tiết tiếp tục nắng, khô hanh trong thời gian tới. Vì vậy, để làm tốt công tác PCCCR, các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp, lực lượng kiểm lâm cần tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng bám sát cơ sở, đặc biệt phối hợp thường xuyên với Nhân dân để có nguồn tin kịp thời, tránh xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng.