Hạt Gấc

Còn gọi là mộc tất tử, thổ mộc miết, mộc biệt tử, mắc cao (Viêntian), Mắc khấu (Thổ), Mákhâu (Thái). Tên khoa học Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng (Murica cochichinensis Lour, Muricia mixta). Thuộc họ Bí Cucurbitaceae.

Mô tả cây

Gấc là một loại dây leo, mỗi năm khô héo một lần nhưng năm sau vào mùa xuân, từ gốc lại mọc ra nhiều thân mới. Mỗi gốc có nhiều dây, mỗi dây có nhiều đốt, mỗi đốt có lá. Lá mọc so le, chia thùy khía sâu tới 1/3 hay ½ phiến. Đường kính phiến lá 12-20cm, phía đáy lá hình tim, mặt trên lá màu xanh lục xẫm, sờ ram ráp. Hoa nở vào các tháng 4-5, đực cái riêng biệt. Cánh hoa màu vàng nhạt. Tháng 6 có quả non, hình bầu dục dài 15-20cm, đít nhọn, ngoài có nhiều gai mềm đỏ đẹp. Trong quả có nhiều hạt xếp thành hàng dọc, quanh hạt có màng màu đỏ máu, khi bóc màng đỏ thấy có một lớp vỏ cứng đen, quanh mép có răng cưa tù và rộng hạt dài chừng 25 đến 35mm, rộng 19-31mm, dày 5-10mm, trông gần giống con ba ba nhỏ bằng gỗ, đo đó có tên mộc miết tử. Trong hạt có nhân, chứa nhiều dầu.

Công dụng và liều dùng

Nhân hạt gấc: Hạt gấc chỉ mới thấy dùng trong nhân dân. Theo sách cổ hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc vào 2 kinh can và đại tràng. Có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng, dùng trong những trường hợp ngã, bị thương, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng.

Uống trong và dùng ngoài. Chủ yếu dùng bôi ngoài.

Uống trong ngày 1 nhân nướng chín. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Dầu gấc được sử dụng từ năm 1942. Dùng trong những trường hợp cần đến vitamin A hay carotene: Bệnh chậm lớn của trẻ em, biến chứng về mắt, chữa các vết loét, triệu chứng của sức kém chống đỡ bệnh tật của cơ thể, làm cho mau lên da non, trong những vết bỏng, vết thương. Nhu cầu về vitamin A đối với cơ thể người lớn là 1-2mg một ngày, trẻ con đang tuổi lớn 3,6-4,8mg, lúc có thai và đang nuôi con 3mg. Nếu dùng carotene, số lượng phải dùng gấp 2 có lẽ vì một số bị cơ thể tích trữ.

Dùng trong với liều 5 giọt một lần, ngày 2 lần trước 2 bữa ăn chính, có thể dùng tới 20 giọt. Đối với trẻ em, dùng 5 đến 10 giọt 1 ngày.

Dùng ngoài dưới hình thức thuốc mỡ có 5 đến 10% dầu gấc, có thể dùng dưới hình thức dầu nguyên chất để bôi mỏng.

Rễ gấc: Một số người dùng nhầm với tên phòng kỷ hay nam phòng kỷ (thực tế phòng kỷ là một vị thuốc khác hẳn), sao vàng tán nhỏ dùng chữa tê thấp, sưng chân.

Đơn thuốc có hạt gấc dùng trong nhân dân:

Chữa trĩ lòi dom: Hạt gấc giã nát thêm một ít dấm thanh gói bằng vải đắp vào nơi bị trĩ để suốt đêm.

Chữa sưng vú: Giã nhân hạt gấc với một ít rượu (30-400) đắp lên nơi sưng đau.