Tổ chức thi làm hai đợt
Căn cứ tình hình thực tế và sự chuẩn bị của các địa phương, ngày 3-8-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức quyết định việc thi tốt nghiệp THPT 2020.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho các thí sinh, phù hợp với công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án tổ chức thi làm hai đợt. Các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội (thành phố Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam) và các thí sinh F1, F2 của cả nước thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào thời điểm thích hợp khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Cụ thể: đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8 với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần lý, hóa, sinh) và bài thi khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; sử, địa với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Riêng bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT chia thành hai đợt, việc tuyển sinh bằng kết quả thi này cũng chịu ảnh hưởng. Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, Bộ sẽ có công văn chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện thuận lợi, có phương thức tuyển sinh chia chỉ tiêu phù hợp cho từng đợt.
Như vậy, ngày 9 và 10-8, khoảng 900.000 thí sinh cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho kỳ thi.
Hiện các trường đại học cũng đang lên phương án phù hợp tình hình thực tế, căn cứ tình huống cụ thể để chờ kết quả thi đợt 2 rồi xét tuyển hoặc chia thành hai đợt tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đảm bảo kỳ thi an toàn, hiệu quả và chất lượng
Mới đây nhất, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương để rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh để lựa chọn phương án. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn.
Cũng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các bộ liên quan bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Cần có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong từng địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh, phụ huynh, giáo viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân yên tâm về việc tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra.
Sáng 3-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2020 khu vực phía Nam với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ các đơn vị chức năng thuộc Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học khu vực từ Bình Định trở vào.
Tại hội nghị, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường trình bày các nội dung liên quan công tác tổ chức thanh tra/kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, năm 2020 có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học tham gia công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT 2020. Thực hiện công tác thanh tra chấm thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo có 32 trưởng đoàn, mỗi trưởng đoàn phụ trách 2 địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn công tác thanh tra chấm thi thi tốt nghiệp THPT. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được mời tham gia thanh tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là lực lượng giúp cho Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt một trong các khâu quan trọng của kỳ thi là đảm bảo được yêu cầu an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, ngăn chặn gian lận, tiêu cực, vi phạm quy chế theo đúng quy định.
Theo TTXVN