Để thực hiện hiệu quả được hai việc này, những năm qua, cùng với triển khai đầy đủ, kịp thời những chính sách chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai một số chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) như: Hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo thuộc diện hộ cận nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chế độ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên và học sinh (HS) Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; quy định chính sách hỗ trợ cho HS không đủ điều kiện hưởng chế độ bán trú thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2026; quy định mức hỗ trợ một tháng học bổng đối với HS lớp 12 các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận...
Góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trong các nhà trường, hằng năm, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng giáo viên dạy giỏi, HS giỏi tiêu biểu các cấp; tổ chức vận động, trao tặng hàng nghìn suất học bổng, quà tặng cho HS nghèo hiếu học và khen thưởng giáo viên, HS có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập. Các cấp Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, có thể kể đến chương trình “Thắp sáng ước mơ” do Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận và Tỉnh đoàn phối hợp thực hiện; chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ đội Biên phòng tỉnh; “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; học bổng Vingroup do Báo Ninh Thuận phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thực hiện... đã giúp hàng trăm lượt HS nghèo hiếu học có thêm điều kiện “học tốt” để thay đổi cuộc đời.
Giờ học môn Tin học của thầy và trò lớp 11A2 Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam).
Những năm qua, đi đôi với đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp học, tỉnh Ninh Thuận quan tâm, chăm lo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, đến đầu năm học 2024-2025, toàn ngành có 10.168 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đa số cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có kinh nghiệm, vững chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên hiện nay về cơ bản đảm bảo cơ cấu, đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc tổ chức dạy và học theo Chương trình GDPT 2018.
Thông qua công tác xã hội hóa, số cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng từ 19 cơ sở năm 2013 lên 27 cơ sở năm 2024; số giáo viên tư thục cũng tăng lên qua các năm nên giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các trường ngoài công lập phát triển cũng góp phần quan trọng trong chuẩn hóa cơ sở vật chất, giảm tải cho các trường công lập, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của HS. Đến tháng 11/2024, tỉnh Ninh Thuận có 167 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 135/207 trường phổ thông, đạt 65,2% và 32/88 trường mầm non đạt 36,4%.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD&ĐT, cho biết: Từ năm 1978 đến 2008, tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu, đưa vào dạy học thực nghiệm tiếng Chăm cho HS cấp tiểu học và tổ chức dạy học chính thức từ lớp 1 đến lớp 5 theo Chương trình GDPT 2006 và hiện nay tiếp tục dạy học chính thức theo Chương trình GDPT 2018 tại 24/24 trường tiểu học thuộc vùng đồng bào Chăm. Phong trào dạy và học tiếng Chăm có tác động tích cực đến cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tiếng Raglai được nghiên cứu biên soạn dạy thí điểm từ năm học 2020-2021, đến nay đã tổ chức dạy thực nghiệm đến lớp 2 tại các trường tiểu học có đông người dân tộc Raglai, trong đó huyện Bác Ái là 100%. Việc đưa tiếng Raglai vào dạy thí điểm là chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, được nhân dân vùng dân tộc Raglai đồng thuận, tự nguyện được học và rất tự hào vì ngôn ngữ nói của người Raglai đã được hình thành bằng chữ viết.
Sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực của ngành GD&ĐT đã góp phần nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn qua từng năm. Số HS đạt giải cấp quốc gia được nâng lên đáng kể và có nhiều giải cao, góp phần nâng vị thế, hình ảnh thế hệ trẻ Ninh Thuận tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Năm học 2023-2024, tỉnh Ninh Thuận đạt 27 giải trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT, tăng gần gấp đôi so với năm học trước; có 1/2 dự án tham gia đạt giải tư Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia HS trung học; có 1 HS được Hội Vật lý Việt Nam chọn là một trong 5 HS thuộc đoàn đội tuyển HS Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Âu năm 2024... Đối với cán bộ, giáo viên, toàn tỉnh có 2 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen đạt danh hiệu nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm 2024; có 13 cá nhân được Sở GD&ĐT tặng giấy khen đạt thành tích nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục xuất sắc, tiêu biểu năm 2024; đặc biệt, toàn tỉnh có 4 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 năm 2023...
Những nỗ lực và kết quả đạt được là dấu hiệu đáng mừng trong công cuộc “trồng người” của một tỉnh còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận, tạo động lực để các thế hệ nhà giáo và HS không ngừng thi đua “dạy tốt - học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương, đất nước.
Lâm Anh